(TSVN) – Số liệu của Bộ NN&PTNT cho hay, cá tra Việt Nam đang dần giảm ưu thế trên thị trường toàn cầu. Từ năm 2015 trở về trước, sản lượng cá tra của Việt Nam luôn chiếm trên 99% tổng sản lượng cá tra nuôi toàn thế giới. Thế nhưng năm 2023, sản lượng cá tra của Việt Nam chỉ còn chiếm 52% tổng sản lượng cá tra toàn cầu. Nguyên nhân chính là do nhiều nước đã đầu tư nuôi cá tra và đang mở rộng diện tích.
Thông tin tại Hội nghị Thị trường Thủy sản Toàn cầu (GSMC) mới đây, sản lượng cá tra của Ấn Độ năm 2023 đạt khoảng 668.000 tấn và dự kiến năm 2024 tăng lên 695.000 tấn. Cá tra của Bangladesh năm 2023 gần 500.000 tấn và giữ vững sang năm. Cá tra của Trung Quốc năm 2023 đã đạt 400.000 tấn và sẽ duy trì. Cá tra của Indonesia năm 2023 hơn 224.000 tấn và năm 2024 sẽ tăng lên 229.000 tấn.
Báo cáo tại GSMC nhận định: Năm 2023 sản lượng cá tra toàn cầu đạt kỷ lục với 3,1 triệu tấn, tăng gần 9% so với 2,9 triệu tấn năm 2022. Dự kiến, năm 2024 sản lượng cá tra toàn cầu sẽ đạt khoảng 3,2 triệu tấn và Việt Nam nỗ lực mới có thể giữ được tỷ trọng 52% như năm nay.
Xuất khẩu cá tra năm nay, theo VASEP, đến hết tháng 11 đạt gần 1,7 tỷ USD, giảm 26,4% so với cùng kỳ năm 2022. Về giá, cá tra giảm ở các thị trường chính, nhất là Mỹ và Trung Quốc đã kéo giá trị xuất khẩu cá tra xuống thấp hơn năm 2022. Hiện đã có tín hiệu khả quan ở các thị trường Mexico, Canada, Brazil, Anh…; tuy nhiên, nhận định của VASEP là cả năm 2023 kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2022. Bên cạnh sản phẩm chủ lực là cá tra fillet, các sản phẩm phụ như bong bóng cá tra khô, chả cá tra đang được nhiều thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore quan tâm.
Tình hình xuất khẩu các sản phẩm thủy sản khác trong tháng 11 vẫn đà suy giảm. Cụ thể những mặt hàng chính, trong 11 tháng xuất khẩu tôm mới đạt 3,15 tỷ USD, giảm 22,3% so với cùng kỳ; cá ngừ 774 triệu USD, giảm 18,4%; mực, bạch tuộc 607 triệu USD, giảm 13,1%; nhuyễn thể có vỏ hơn 116 triệu USD, giảm 12,3%; nhuyễn thể khác hơn 5 triệu USD, giảm 10,6%; cua ghẹ và giáp xác khác gần 184 triệu USD, giảm 11,9%; các loại cá khác, chủ yếu là cá biển 1,74 tỷ USD, giảm 7,5%. Tính chung cả 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản mới đạt 8,27 tỷ USD, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhận định của VASEP: Với diễn tiến hiện nay, xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 ước đạt khoảng 9 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022. Ngoài cá tra giảm 25% thì tôm ước đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 21%; cá ngừ 850 triệu USD, giảm 15%; mực, bạch tuộc đạt 660 triệu USD, giảm 14%. Đối với tôm, vẫn bị cạnh tranh gay gắt về giá trong bối cảnh nguồn cung thế giới dư thừa, giá bán hạ.
Những biến động suy giảm, đặt ra cho ngành thủy sản sang năm mới phải hết sức nỗ lực, mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Ngành thủy sản Việt muốn chặn đà suy giảm, giải pháp hàng đầu là đổi mới công nghệ và tăng cường chuỗi liên kết, xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả.
Sáu Nghệ