T5, 03/02/2022 11:57

Cách thích ứng tốt nhất là bình tĩnh, chủ động

(TSVN) – Trải qua một năm vô vàn khó khăn do tác động quá lớn của đại dịch COVID-19, nhưng ngành tôm Việt Nam vẫn về đích rực rỡ, đặc biệt là xuất khẩu. Để có được những thành công này là sự đóng góp của các doanh nghiệp với sự nhanh nhạy chiếm lĩnh thị trường.

Chuẩn bị nhiều phương án

Năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát trên vùng nuôi và chế biến tôm trọng điểm ĐBSCL gây rất nhiều khó khăn cho người nuôi và doanh nghiệp. Từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 9, cả vùng ĐBSCL thực thi Chỉ thị 16 của Chính phủ, phải tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”, hết sức mới mẻ nhưng đầy âu lo. Do mặt bằng có hạn, các doanh nghiệp chỉ tổ chức hoạt động cho 1/3 số lao động. Giai đoạn từ giữa tháng 9 về sau, cơ bản thực hiện Nghị quyết 128 Chính phủ, hoạt động dần hồi phục nhưng phải đương đầu dịch bùng phát mạnh mẽ. Ngoài khó khăn trong việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, còn đương đầu khó khăn chuỗi cung ứng ít nhiều bị gián đoạn, tác động tới tiến trình hoạt động. Rộng hơn, COVID-19 đã tác động làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến logistics mất cân đối thời gian dài, chi phí vận chuyển hàng giao các thị trường xa như Mỹ, Tây Âu tăng quá mức dự tính. Tuy nhiên, chúng tôi đã tính toán và chỉ ký hợp đồng các đơn hàng không lớn để giảm thiểu rủi ro và nhất là chủ động thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, qua đó kịp thời cung ứng hàng, hạn chế tối đa hợp đồng bị hủy hoặc thực hiện không kịp thời. Mặt khác, chú trọng tiêu thụ thị trường gần (Nhật Bản) để giảm rủi ro từ chi phí vận chuyển.

Dám nghĩ, dám làm

Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn không nhỏ nhưng do có sự tính toán phù hợp, Sao Ta đã vượt qua khó khăn, có thành quả hoạt động tốt nhất trong lịch sử 26 năm của mình. Sản lượng chế biến, doanh số, lợi nhuận đều tăng khoảng 15% so năm 2020.

Thành quả này có được là nhờ dự báo tình hình “chuẩn” và thực hiện kịp thời. Từ đầu tháng 7, Sao Ta nhận định dịch sẽ bùng phát nên đã dọn mọi chỗ trống trong khuôn viên và mua vật dụng cho phương án sản xuất “3 tại chỗ”, vì vậy mà không lúng túng khi thực thi Chỉ thị 16. Cùng đó, chúng tôi nhận định thị trường tiêu thụ sẽ bị COVID-19 tác động không nhỏ, nên chủ trương ký hợp đồng nhỏ và giao hàng nhanh, nhờ đó không ứ đọng hàng có thể bị hủy và nhất là giao hàng luôn đúng hạn. Thêm nữa, chúng tôi còn nhận định người nuôi hạn chế thả giống vụ hai vì cung ứng đầu vào bị đứt gãy, cho nên đã huy động mọi nguồn lực thả nuôi toàn bộ ao đang có nhằm tranh thủ giá sẽ lên cao khi nguồn cung bị giới hạn. Các quyết sách này đều phù hợp và mang lại lợi ích, từ đó tôi rút ra bài học là bình tĩnh, chủ động phân tích tình huống và có phán đoán rồi quyết đoán nhằm tranh thủ mọi cơ hội.

Là một trong những lĩnh vực chủ lực của ngành thủy sản, sản xuất tôm năm qua đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình trong đại dịch. Ảnh: Đoàn Kết

Thị trường không khó, khó ở nội tại

Bên cạnh khó khăn do dịch COVID-19, nhiều người cho rằng những quy định, tiêu chuẩn mới từ thị trường nhập khẩu tôm đang ngày một khó khăn hơn. Tuy nhiên, điều này không mới vì thật ra các thị trường chính, trọng điểm là Mỹ, EU, Nhật Bản đã có quy định chặt chẽ về an toàn thực phẩm và chất lượng từ lâu rồi. Các doanh nghiệp bán hàng vào các thị trường này đã “quen” rồi. Chỉ có gần đây, thị trường Trung Quốc siết chặt hơn các quy định, đây là xu thế chung thôi. Các doanh nghiệp bán hàng vào đây sẽ phải sớm chuyển đổi để thích nghi. Chỉ có thích nghi mới tồn tại chứ không còn đường nào đâu.

Theo tôi, cái khó nhất của ngành tôm không phải từ hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại, mà chính là nội tại. Thí dụ, công tác đánh mã số cơ sở nuôi quá chậm, làm sao các doanh nghiệp chế biến có đủ lý lẽ thuyết phục các hệ thống phân phối lớn, cao cấp có hệ thống kiểm soát chặt chẽ (nhưng giá cả phải chăng) cho công việc xác định xuất xứ lô hàng?

Thể hiện bản lĩnh

Với biến chủng mới xuất hiện có khả năng lây lan nhanh nên có thể nói khó khăn do dịch COVID-19 vẫn chưa dừng lại đối với ngành tôm. Thế nhưng, nếu nói “biến nguy thành cơ” thì ngành tôm sẽ có cơ hội không nhỏ. Người lao động qua hai năm “thấm đòn” COVID-19 đã “trưởng thành” hơn trong nhận thức. Họ có ý thức kỷ luật và chấp hành tốt hơn, bởi việc đó sẽ có lợi cho họ. Đây là một ưu điểm tạo ra cơ hội. Mặt khác, người Việt chúng ta có tính năng động, nên nếu COVID-19 “thoái hóa” trở thành bệnh cúm thông thường thì kinh tế Việt Nam nói chung, ngành tôm nói riêng không chỉ là phục hồi và còn nhanh chóng tăng tốc. Đó cũng là bản lĩnh, ý chí của dân ta.

Với góc nhìn lạc quan như vậy, nhu cầu tôm năm 2022 sẽ tốt hơn năm trước.

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!