(TSVN) – Tài nguyên thiên nhiên đang suy thoái do nhiều tác động nội tại và khách quan như biến đổi khí hậu, công nghệ sản xuất không còn phù hợp. Kinh tế đang đòi hỏi chuyển đổi theo hướng xanh, phát triển gắn liền với bảo tồn tài nguyên.
Quá trình đó yêu cầu trao quyền cho người dân, cộng đồng dân cư. Người dân được hỗ trợ tiếp cận tri thức để chủ động đưa ra những quyết định phù hợp trong quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên có hạn; trong hoạt động ngư nghiệp, thủy sản và nâng cao giá trị thủy sản, phục hồi tài nguyên thiên nhiên.
Vấn đề trên là nội dung của Đối thoại cấp cao về Hợp tác quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu, do Bộ NN&PTNT phối hợp Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 26/8/2022. Đối thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình đồng quản lý có hiệu quả đã được triển khai tại Việt Nam và trên thế giới; những khó khăn, thách thức, các rào cản về chính sách, thể chế và đề xuất các kiến nghị về hợp tác đồng quản lý tài nguyên.
Trong lĩnh vực thủy sản, nguyên chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Bến Tre Trần Thị Thu Nga bày tỏ, người dân sẽ tích cực tham gia cùng quản lý, phát triển tài nguyên thiên nhiên khi có lợi ích. Thực tế hợp tác khai thác nguồn lợi ngao của Bến Tre, cộng đồng ngư dân có lợi nên bảo vệ được diện tích, chất lượng ngao ngày càng tốt.
Bà Caitlin Wiese, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, để duy trì tăng trưởng, Chính phủ Việt Nam trao quyền và tăng cường hơn nữa vai trò của cộng đồng địa phương trong quản lý tài nguyên. Bà đưa ra ba khuyến nghị: Có chính sách thúc đẩy nâng cao vai trò, lợi ích của cộng đồng địa phương; dành nguồn kinh phí hỗ trợ các cộng đồng địa phương từ đầu và tạo nguồn vốn cho công tác quản lý dài hạn; tăng cường trao đổi giữa các cộng đồng địa phương.
Việt Nam đã xây dựng Luật Thủy sản có quy định phương thức đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản để chia sẻ quyền và trách nhiệm bảo vệ, khai thác. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, khó khăn từ chính sách. Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, từ khi nội dung trên được đưa vào Luật Thủy sản năm 2017, các địa phương bắt đầu xây dựng và thực hiện hiệu quả các mô hình đồng quản lý.
Để trao quyền cho cộng đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến việc thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế. Ngành nông nghiệp xây dựng các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch từ Trung ương nhưng việc thực thi lại ở bên dưới cơ sở, nên cần thu hẹp khoảng cách.
Nông nghiệp, thủy sản là ngành kinh tế thị trường, được điều khiển bởi “bàn tay vô hình” của thị trường. Quản lý không thể điều khiển được “bàn tay vô hình” nhưng có thể gắn kết các chủ thể trong xã hội bằng lợi ích thiết thực để tạo ra một hệ sinh thái phát triển.
“Do vậy, chúng ta cần ban hành những cơ chế để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, ngư dân và làm gọn, cụ thể để triển khai thực hiện nhanh hơn do xã hội, người dân đang cần những điều thiết thực”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.