T5, 23/07/2020 05:35

Cần quan tâm phúc lợi vật nuôi thủy sản

Tôi gắn bó với nghề nuôi cá hồi tại Marine Harvest suốt 35 năm và chứng kiến không ít đổi thay từ khi ngành công nghiệp cá hồi từ lúc còn non trẻ, chưa hoạt động theo quy chuẩn nào.

Trải qua nhiều năm, ngành công nghiệp cá hồi ngày càng phức tạp và chú trọng nhiều đến vấn đề phúc lợi động vật. Hẳn nhiều người nuôi cá ở Việt Nam còn xa lạ với khái niệm này nhưng hơn 500 triệu người tiêu dùng ở châu Âu đang ngày càng quan tâm tới việc thực phẩm được sản xuất thế nào, gồm vấn đề chăm sóc động vật trên cạn và dưới nước. Marine Harvest đã tròn 50 tuổi và hiện đang là đơn vị sản xuất cá hồi lớn nhất thế giới; đồng thời cung cấp cho nhiều thị trường sản phẩm cá nguyên con chất lượng hảo hạng. Lý do khiến chúng tôi tồn tại và vững mạnh lâu đến vậy là luôn quan tâm đến phúc lợi vật nuôi thủy sản. Năm 2007, chúng tôi được biết tới nhãn hiệu Thực phẩm tự do của RSPCA (Hiệp hội Hoàng gia Anh về phòng chống bạo lực với động vật), đây cũng là Hiệp hội bảo vệ quyền lợi động vật lâu đời và lớn nhất thế giới. Yêu cầu đầu tiên của Thực phẩm tự do là phải giảm mật độ nuôi. Với cá hồi, mật độ nuôi phải giảm từ 20 kg/m3 xuống 15 kg/m3. Do đó, để duy trì năng suất, chúng tôi phải đầu tư thêm nhiều lồng nuôi. Điều này đã thử thách lòng tin bởi chúng tôi phân vân rằng liệu việc giảm mật độ nuôi có làm tăng năng suất? Sau một thời gian chúng tôi đã thấy được lợi ích của việc giảm mật độ thông qua những thay đổi rõ rệt về tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng cao và chất lượng sản phẩm tốt hơn.

Tôi nghĩ, trước tiên người nuôi trồng thủy sản ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng phải nhận thức được việc đảm bảo phúc lợi vật nuôi là vấn đề quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng phương Tây. Một doanh nghiệp xuất khẩu muốn giữ vững thị trường thì cần phải đảm bảo rằng sản phẩm của họ nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng về vấn đề phúc lợi động vật. Tâm lý người tiêu dùng tại thị trường châu Âu, đặc biệt là thị trường Anh đã thay đổi cách đây 20 năm. Các nhà nuôi trồng, sản xuất thủy hải sản Việt Nam cần phải biến phúc lợi động vật thành ưu thế trong kinh doanh. Nước láng giềng với Việt Nam là Thái Lan đã bắt đầu nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề này. Dĩ nhiên, Việt Nam khác các nước phương Tây về văn hóa, lối sống, nên nhiều hãng sản xuất thủy sản còn ít quan tâm khái niệm phúc lợi động vật nuôi. Để thay đổi, cần phải có một cách tiếp cận riêng biệt cho từng loài cá. Phát triển các phương pháp sản xuất thích hợp với tiêu chí thân thiện. Chắc chắn không thể mang những tiêu chuẩn của cá hồi Scotland để áp dụng cho cá rô phi hoặc cá tra, basa bởi điều đó hoàn toàn phi thực tế. Công việc này phải được thực hiện trong nội bộ ngành công nghiệp thủy sản để phát triển bền vững và phải đưa ra được các lựa chọn khả thi về kinh tế. Có vẻ hơi lạ khi cho rằng cá nuôi phải được đảm bảo các phúc lợi động vật, nhưng trên thực tế, nó rất quan trọng, và chúng tôi đã học được điều đó. Tôi nghĩ các công ty nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam cần phải xem xét các tiêu chuẩn về phúc lợi động vật và cách thức chúng mang lại lợi ích cho công việc kinh doanh của họ. Chúng tôi đã thu được rất nhiều lợi nhuận nhờ đề cao phúc lợi động vật và áp dụng các quy chuẩn để thực hiện phúc lợi động vật. Tôi tin những quy chuẩn này đó cũng thể áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. 

Giám đốc Phát triển kinh doanh Marine Harvest, Anh

Steven Bracken

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!