(TSVN) – Trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU của EC, nổi lên một nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng hoạt động của cảng cá đang được các địa phương tập trung thực hiện. Bởi cảng cá là nơi ra vào tàu cá, kiểm soát sản lượng khai thác để làm công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản, đảm bảo minh bạch, đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng cũng như kiểm soát sản lượng lên bến trước đây với nghề cá tự phát hầu như không làm, hoặc làm thì chưa có hệ thống. Hiện nay, sau 6 năm khắc phục yếu kém theo các khuyến nghị của EC, cơ bản 28 địa phương ven biển đã triển khai đồng loạt, bước đầu đi vào nền nếp rất tốt.
Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng trong lần trả lời phỏng vấn của báo chí gần đây cho biết: “Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, hiện đã từng bước hoàn thiện và cải thiện rất nhiều, tuy nhiên qua kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương vẫn còn một số cảng cá, một số doanh nghiệp có dấu hiệu hợp thức hóa hồ sơ, chưa đảm bảo đủ độ tin cậy khi xuất khẩu sang một số thị trường châu Âu và một số thị trường khác. Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã rà soát chỉ đạo các địa phương cũng như các doanh nghiệp chung tay cần minh bạch hơn trong việc truy xuất nguồn gốc”.
Thực tế ở khu vực phía Nam, báo cáo của tỉnh Cà Mau, từ ngày 1/1 đến 18/7/2023 xử phạt 88 vụ vi phạm về khai thác IUU với số tiền trên 4,4 tỷ đồng, vi phạm về giám sát hành trình 17 vụ với số tiền gần 870 triệu đồng. Ngoài ra, tỉnh đang điều tra, xử lý một số trường hợp tàu cá che giấu, gửi thiết bị giám sát hành trình. Những con số này cho thấy tỉnh đã kiên quyết trong xử lý vi phạm, và mục tiêu tỉnh đặt ra trước mắt là kiểm soát 100% sản lượng hải sản khai thác qua cảng cá chỉ định, 100% sản lượng khai thác qua cảng cá, bến cá tư nhân. Kiểm tra, kiểm soát tất cả các hồ sơ, lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Còn phía khu vực phía Bắc, báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, trong 7 tháng đầu năm xử lý vi phạm hành chính 317 vụ với số tiền 4,28 tỷ đồng. Thế nhưng, trong lần kiểm tra của Bộ NN&PTNT đầu tháng 8 vẫn thấy, số tàu cá và sản lượng khai thác được kiểm soát tại cảng còn thấp, số liệu báo cáo giữa các đơn vị trong Văn phòng Kiểm soát nghề cá còn chưa chi tiết. Cho nên, tỉnh đã thiết lập tạm thời 10 điểm kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các bến, cảng, khu neo đậu tránh trú bão; bố trí kinh phí đầu tư cảng cá để hoàn thiện, đồng bộ cơ sở hạ tầng nghề cá và thực hiện kiểm soát chặt chẽ tàu và sản lượng khai thác.
Để công tác quản lý tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng lên bến đảm bảo đủ độ tin cậy truy xuất nguồn gốc, không xảy ra tình trạng hợp thức hóa hồ sơ, Cục trưởng Nguyễn Quang Hùng cho rằng, các doanh nghiệp phải chung tay cùng các cảng cá thực hiện. Đồng thời, cũng phải đầu tư, nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão trên cả nước trong trung hạn để các cảng cá đáp ứng được những yêu cầu về quản lý nghề cá tại cảng cũng như truy xuất nguồn gốc thuận lợi.
“Nâng cao chất lượng các cảng cá lên hiện đại, góp phần thúc đẩy nhanh hơn, cải thiện cũng như sắp xếp lại nghề khai thác hải sản theo hướng phát triển bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế”, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh.
Sáu Nghệ