(TSVN) – Gần đây tôi có đọc bài báo của Kangning Yue và Yubong Shen đăng trên Tạp chí Aquaculture and Fisheries về những công nghệ đột phá có tầm ảnh hưởng đến ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS).
Nội dung bài viết đề cập đến công cụ giúp cải thiện sản xuất thủy sản trong tương lai gần, gồm chỉnh sửa hệ gen, trí tuệ nhân tạo, nuôi cá xa bờ, hệ thống NTTS tuần hoàn, protein thay thế, vaccine uống, blockchain và IoT.
Cải tiến di truyền không còn là công nghệ xa lạ trong lĩnh vực chăn nuôi, nhưng nó đang được đổi mới theo xu hướng giảm thiểu rủi ro hoặc xâm lấn. Ngành NTTS nhiều năm qua phát triển vượt bậc một phần cũng nhờ công nghệ cải tiến di truyền.
Một số phương pháp cải tiến di truyền khá quen thuộc như nhân giống chọn lọc được áp dụng rộng rãi suốt nhiều thập kỷ qua. Phương pháp mới nhất trong lĩnh vực cải tiến di truyền hiện nay là kết hợp công nghệ sinh học phân tử và chương trình nhân giống. Lựa chọn hệ gen và chỉnh sửa bộ gen là một phương pháp cải thiện nhanh chóng các tính trạng kinh tế ở vật nuôi thủy sản.
Chỉnh sửa hệ gen không được coi là thao tác di truyền nên dễ được chấp nhận hơn trong ngành NTTS. Hai tác giả bài báo trên cho rằng, lựa chọn hệ gen và chỉnh sửa bộ gen kết hợp với các phương pháp nhân giống thông thường và công nghệ sinh học sẽ đẩy nhanh đáng kể quá trình cải thiện di truyền trong NTTS.
Tôi đặc biệt quan đến các công nghệ kỹ thuật phần cứng như robot, máy bay không người lái, in 3D và cảm biến. Thay thế nhân lực bằng máy móc, ví dụ robot không mới nhưng cách thức áp dụng công nghệ này vẫn liên tục đổi mới. Do đó, robot ngày càng linh hoạt hơn và đáp ứng được nhiều nhiệm vụ khó nhằn hơn. Công nghệ máy bay không người lái cũng “bùng nổ” trong ngành NTTS thời gian qua, nhất là các thiết bị dưới nước để thực hiện hoạt động nguy hiểm mà con người không làm được. Trong khi đó máy in 3D vẫn mới lạ trong lĩnh vực NTTS nhưng chi phí đầu tư đã hợp lý hơn.
Trong số những công nghệ kỹ thuật phần mềm, đáng chú ý nhất là thực tế ảo với khả năng đào tạo chi phí thấp. Những thế hệ trẻ trong lĩnh vực NTTS hiện nay cũng rất quan tâm công nghệ này. Tại Trung Quốc, thực tế ảo được áp dụng hiệu quả vào sản xuất thủy sản và trở thành công cụ đào tạo về phúc lợi động vật thủy sản, phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn cá nuôi thoát ra môi trường tự nhiên. Không phủ nhận trí tuệ nhân tạo AI đã giúp ngành NTTS tiến xa nhưng liệu AI quá thông minh đối với con người hay không? Tôi vẫn nhớ bộ phim “2001- cuộc phiêu lưu ngoài không gian”, trong đó máy tính trên tàu đã cố gắng giành quyền kiểm soát. Phi hành gia gặp nguy hiểm, và giải pháp cuối cùng của anh ta là rút phích cắm máy tính. Tôi luôn kỳ vọng công nghệ thông minh sẽ mang lại lợi ích to lớn cho ngành NTTS nhưng sử dụng chúng cũng có thể gây ra một số hậu quả tiêu cực. Một ngày nào đó, liệu loài người cũng phải dùng đến giải pháp cuối cùng, giống như phi hành gia ở trên, đó là “rút phích cắm máy tính” hay không? Không ai có câu trả lời chắc chắn, nhưng rõ ràng AI đang mang lại vô vàn lợi ích nếu như con người vẫn nắm quyền kiểm soát công nghệ này trong tầm tay.
ERIK HEMPEL
Nor-Fishing Foundation