(TSVN) – Cá cũng như con người, động vật khác và thậm chí thực vật, luôn cần các chất dinh dưỡng thiết yếu, bất kể là axit amin, axit béo, carbohydrates, xơ và vitamin từ các nguồn cá khác, côn trùng, nấm men, sinh vật phù du hoặc tảo biển.
Nhưng người tiêu dùng ngày nay lại luôn quan tâm đến nguồn dinh dưỡng mà họ đang ăn có nguồn gốc từ cá, bò, gà, đậu phụ, hạt đậu hay salad. Thực tế, dù là nguồn nào đi chăng nữa, chỉ cần đáp ứng được các nhu cầu dinh dưỡng vi lượng và đa lượng thì vật nuôi thủy sản sẽ sống tốt, cũng như loài người, động vật trên cạn hay thực vật.
Hàng nghìn nghiên cứu khoa học đã chứng minh được có hàng trăm thành phần thức ăn thay thế có thể được sử dụng để cung cấp một dưỡng chất thiết yếu giống hệt như dưỡng chất được tìm thấy trong bột cá và dầu cá. Nhưng chúng ta vẫn cần phải nghiên cứu sâu hơn và thúc đẩy đầu tư mới có thể xóa bỏ hoàn toàn dầu cá và bột cá trong tất cả các loại thức ăn thủy sản, đặc biệt là thức ăn của vật nuôi ăn thịt và cá biển.
Sử dụng thức ăn thay thế như đậu tương, protein đơn bào, tảo biển, bột côn trùng, hay phụ phẩm động vật và thực vật đang phát triển nhanh. Các thành phần này dần thay thế bột cá và dầu cá trong thức ăn công thức. Dầu tảo hiện đã được sử dụng trong thức ăn với tỷ lệ thay thế hơn 25% để nuôi cá hồi Na Uy. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi các loài cá hồi tích lũy sinh học axit béo omega-3 từ tảo biển mà chúng ăn vào. Ngày nay, người tiêu dùng thủy sản trên toàn thế giới rất chuộng những sản phẩm cá, hoặc tôm được nuôi bằng dầu tảo không chỉ vì những lợi ích sức khỏe mà còn vì nó hỗ trợ sự tăng trưởng bền vững của ngành nuôi cá hồi, các loại cá khác và mang lại chất lượng dinh dưỡng của cá luôn ổn định.
Trong tự nhiên, dầu cá có chất lượng rất khác nhau do nhiều yếu tố, gồm loài, khu vực khai thác, thời gian khai thác trong năm, thời gian từ lúc đánh bắt đến lúc đưa tới nhà máy chế biến và phương pháp chế biến. Một số nguồn dầu cá này dường như không bền vững, theo những tiêu chí đánh giá của các tổ chức như Chương trình Seafood Watch của Monterey Bay Aquarium. Bột cá và dầu cá cần phải được chế biến, xử lý thêm để loại bỏ lượng lớn các chất ô nhiễm môi trường như dioxin, PCBs, PBDEs và furan được tích lũy sinh học trong mô mỡ của cá (Terhals et al. 2007; Berntssen et al. 2016; Ng et al. 2018). Các loại dầu tương tự có nguồn gốc trực tiếp từ tảo biển nuôi lại là những sản phẩm đáng tin cậy hơn với chất lượng, hàm lượng axit béo và độ tươi mới ổn định cũng như có dấu chân môi trường thấp hơn.
Cá tạp đang bị khai thác quá mức suốt 70 năm qua, từ cá mòi California vào những thập niên 1950 đến cá cơm ở Vịnh Thái Lan và Vịnh Bengal vào những năm 2010. Trị giá mà ngành khai thác cá tạp mang lại lên đến 18,7 tỷ USD/năm (Konar et al. 2019). Nếu tình trạng khai thác quá mức như hiện nay còn tiếp diễn với hoạt động kinh doanh bột cá, dầu cá vẫn sôi động, thì chắc chắn nguồn lợi cá tạp sẽ cạn kiệt vào năm 2037 (Froehlich et al. 2018), từ đó dẫn đến những tác động phá hủy nghiêm trọng lên toàn bộ mạng lưới thực phẩm đại dương.
Giá quá cao và lợi nhuận siêu khổng lồ từ bột cá, dầu cá cũng là nguyên nhân khiến ngành NTTS bị kéo tụt lùi nhiều năm qua. Việc khai thác và thu gom cá thuộc các vùng biển trên toàn thế giới cần phải được quản lý chặt chẽ và phải bị đánh thuế giống như các nguồn lợi công tự nhiên khác như dầu mỏ, quặng hoặc nước tinh khiết. Ngành NTTS chỉ thực sự lớn mạnh khi sự phụ thuộc vào các thành phần đạm động vật biển kết thúc.
Đại học Arizona, Mỹ