(TSVN) – Nói về tương lai của ngành thực phẩm toàn cầu, chúng ta có thể thấy rõ một điều đó là an ninh lương thực của thế giới hiện nay sẽ phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào đại dương.
Theo báo cáo của Ủy ban cao cấp về Kinh tế đại dương bền vững vào năm 2018, nguồn thức ăn từ biển đã đóng góp to lớn vào an ninh lương thực, với điều kiện nó có nguồn gốc bền vững. Tuy nhiên, thật vô nghĩa khi chúng ta lấy nguồn lợi đại dương để nâng cao sức khỏe cho mình nhưng lại gây tổn hại đến sức khỏe của đại dương.
Theo báo cáo của FAO, ngành khai thác cá công nghiệp đã làm tổn hại đến sự sống còn của 33,1% loài cá thương mại. Việc khai thác quá mức đã gây ra mối đe dọa đối với sinh vật biển và an ninh lương thực trong tương lai. Do đó, đã đến lúc phải đặt tính bền vững lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự của toàn ngành thủy sản trong tương lai.
Có ba chìa khóa quan trọng để mở cánh của bền vững cho ngành thủy sản tương lai. Đầu tiên là thực hiện nghiêm túc việc phát triển sinh khối. Sinh khối thủy sản tăng hay giảm như thế nào trong hai thập kỷ qua? Sức khỏe của sinh khối là một dấu hiệu rõ nét cho thấy nguồn tài nguyên biển có ổn định hay không. Các chứng nhận và đánh giá của bên thứ ba là một phần quan trọng của việc này. Một tổ chức đang đảm nhận trách nhiệm này là Đối tác Nghề cá Bền vững (SFP) với vai trò đánh giá các dấu hiệu giảm sinh khối, phân tích chiến lược, quản lý thực trạng nguồn lợi biển, đồng thời tạo động lực cho nghề cá tiếp tục cải thiện. Hội đồng Quản lý Biển (MSC) cũng đóng một vai trò quan trọng trong đánh giá và công nhận nghề cá bền vững, đồng thời mang lại sự minh bạch trong toàn bộ quy trình, kể cả giảm thiểu sản lượng khai thác không mong muốn. Bằng cách hướng đến các mục tiêu và kỳ vọng do cả hai cơ quan trong ngành này đặt ra, ngành khai thác thủy sản có thể tự chịu trách nhiệm về các tiêu chuẩn bền vững tốt hơn.
Chìa khóa thứ hai là đầu tư nghiên cứu. Bạn càng biết nhiều, bạn càng có thể làm được nhiều hơn. Điều này cũng đúng với ngành thủy sản. Bằng cách hợp tác với cộng đồng các nhà khoa học và đầu tư vào nghiên cứu, ngành thủy sản có thể hiểu rõ hơn về sức khỏe và phúc lợi của các loài cá đang khai thác. Khi khí hậu thay đổi kéo theo nhiều mối đe dọa đối với sức khỏe và sự sống của sinh vật biển hiện nay, kiến thức và sự hiểu biết sâu sắc hơn sẽ trở nên cần thiết để chống lại những tác động tiêu cực và bảo vệ nguồn lợi biển. Nghiên cứu là một công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ khả năng phục hồi lâu dài của các loài cá.
Chìa khóa thứ ba là công nghệ. Sử dụng dữ liệu thông minh đang thúc đẩy đổi mới công nghệ trong NTTS. Công nghệ có tiềm năng làm giảm lượng khí thải carbon trên tàu khai thác, trong nhà máy chế biến và các hoạt động hậu cần. Tàu cá ngày nay có thể được trang bị cảm biến giám sát nhiên liệu và năng lượng, giúp thủy thủ dự đoán khi nào cần bảo dưỡng và tìm ra những cách mới để giảm thiểu khí thải.
Trên đây là ba đề xuất để mang lại một tương lai bền vững cho ngành thủy sản. Nhưng tính bền vững có được hiện thực hóa hay không còn phụ thuộc vào sự chung tay của toàn ngành. Chỉ khi tính bền vững nằm trong tâm trí của từng người từ đội ngũ nhân viên cho đến cấp quản lý, thì khi đó chúng ta mới xây dựng được một nền tảng vững chắc thực sự.
Giám đốc Phát triển Bền vững Aker BioMarine