T4, 20/07/2022 09:43

Chiến lược kép cho thức ăn bền vững

(TSVN) – COVID-19, sự gián đoạn chuỗi cung ứng ngay sau đó, chiến tranh tại Ukraine và lạm phát đã gây ra những biến động đột ngột trên thị trường thủy sản. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đi xuống và hậu quả được cảm nhận rõ nét ngay trong quý đầu năm nay. Sức mua và sức tiêu thụ đều giảm vì chi phí sản xuất và giá thực phẩm tăng vọt. Giá các loại thủy sản trong tháng 2/2022 tăng gần 5% so cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, tương lai của ngành thủy sản không phải vì vậy mà trở nên ảm đạm. Thủy sản – một mặt hàng protein giá cao hơn và hấp dẫn người tiêu dùng, dường như không bị ảnh hưởng tiêu cực trong phân khúc dịch vụ ẩm thực. Một ví dụ điển hình, Na Uy vừa báo cáo xuất khẩu thủy sản nuôi và khai thác trong tháng 4 đạt kỷ lục với 82.500 tấn cá hồi nuôi, trị giá 8,1 tỷ NOK (0,81 tỷ USD), giảm 3% về khối lượng nhưng tăng vọt 43% về giá trị.

Hội chợ thủy sản toàn cầu vừa qua tại Tây Ban Nha đã cho thấy xu hướng tập trung vào bộ phận thượng lưu của chuỗi cung ứng để NTTS bền vững. Bộ phận này bao gồm các hoạt động giữa nhà sản xuất và các nhà cung cấp. Cùng đó, rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị (SEG) của thức ăn và các thành phần thức ăn được sử dụng để NTTS bền vững cũng được nhấn mạnh do nạn chặt phá rừng Amazon trồng đậu tương ngày càng nhức nhối. Chỉ cách đây 30 năm, khô đậu vẫn được tung hô như một thành phần thay thế bền vững cho bột cá trong thức ăn thủy sản.

Hội nghị bàn tròn thủy sản 2022 (TARS) cũng chỉ ra những thách thức của ngành thủy sản xoay quanh vấn đề thức ăn bền vững và nhu cầu về một trạng thái cân bằng mới. NTTS mở rộng đã làm tăng nhu cầu sử dụng các thành phần thức ăn thay thế bột cá. Các thành phần thức ăn mới mang lại nhiều lợi ích nhưng câu hỏi đặt ra là liệu tất cả có được sản xuất như nhau hay không. Cựu thủ tướng Anh Winston Churchill đã từng nói “đừng bao giờ bỏ lỡ một cuộc khủng hoảng tốt” và ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi cũng đang trong một cuộc khủng hoảng tương tự khi giá tăng cao đối với mọi sản phẩm và mọi thị trường.

Liên minh NTTS toàn cầu đã đánh giá tích cực về sự hồi sinh của ngành tôm sú tại Bangladesh. Từ đầu những năm 2000, châu Á đã chuyển từ tôm sú sang TTCT và kết quả TTCT chiếm hơn 90% diện tích nuôi tôm nước ấm hiện nay. Bangladesh vẫn luôn trung thành với tôm sú thậm chí quốc gia này từng chịu không ít chỉ trích về tồn dư kháng sinh trong tôm. Những điều này chỉ ra một điểm yếu lớn của ngành NTTS châu Á nói chung dù đối tượng nuôi là tôm sú Bangladesh hay cá tra Việt Nam. Châu Á chưa giỏi trong việc tự bảo vệ mình trên thương trường cũng như phản ứng đủ nhanh trước những dư luận xấu và chưa có khả năng tiếp thị chung để xây dựng thương hiệu sản phẩm. Yêu cầu tối thiểu hiện nay đối với ngành thủy sản tại một quốc gia là duy trì sự khác biệt mang tính cạnh tranh và chủ động quảng bá sản phẩm. Ví dụ Bangladesh có thể xây dựng hình ảnh tôm sú – một sản phẩm không có đối thủ cạnh tranh từ Mỹ Latinh.

Theo cơ quan nghiên cứu châu Á (ARE), chỉ 16% doanh nghiệp lớn nhất châu Á thực hiện chính sách nguồn protein có trách nhiệm như một phần công bố ESG của họ. Đến nay chưa có dữ liệu cụ thể cho ngành thủy sản, nhưng ngay từ bây giờ chúng ta phải từng bước tạo ra chiến lược kép cho ngành thức ăn thủy sản bền vững, trước khi thị trường yêu cầu.

Chuyên gia thức ăn thủy sản, Aquafeed UK

TS Simon Davies

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!