T2, 12/04/2021 09:44

Chiến lược marketing cho tôm Việt

(TSVN) – Nhờ phản ứng tích cực và nhanh nhạy trước đại dịch COVID-19 kết hợp hiện đại hóa mô hình nuôi, Việt Nam có cơ sở để kỳ vọng trở thành một trong những nước sản xuất tôm hàng đầu thế giới.

Dù đại dịch tràn lan khắp toàn cầu, nhưng tôm vẫn nằm trong nhóm hàng thực phẩm có lượng tiêu thụ tương đối ổn định. Tổng sản lượng tôm nuôi của toàn thế giới vẫn tăng trưởng 6 – 7%, bất chấp đại dịch và sự sụp đổ của kênh dịch vụ thực phẩm trên toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ tôm về dài hạn có thể trở thành động lực thúc đẩy diện tích nuôi tôm mở rộng thêm 10% trong thời gian tới.

Trong năm qua, khi ngành tôm tại một số nước gặp nhiều khó khăn, điển hình như Ecuador chật vật khốn đốn vì đại dịch, giá tôm rớt xuống mức thấp nhất lịch sử; tôm Ấn Độ tụt hạng tại Mỹ, thị phần rơi vào tay Indonesia… thì ngành tôm Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng ổn định suốt nhiều năm, với mức tăng trưởng 5 – 10% hàng năm, thậm chí 12% nhờ sự thay đổi quyết liệt và toàn bộ về công nghệ nuôi tôm. Trong những năm gần đây, các mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã được phát triển ở miền Nam và vùng ĐBSCL, giúp nông dân đạt lợi nhuận cao hơn.

Tuy vậy, những tình huống khó đoán của COVID-19 sẽ tiếp tục gây khó khăn cho xuất khẩu tôm của Việt Nam. Đặc biệt, sự sụt giảm mạnh nhập khẩu của thị trường Mỹ và châu Âu có thể xảy ra nếu tiếp tục xuất hiện phong tỏa, cộng với sự kiểm soát chặt hàng hóa thủy sản đông lạnh nhập khẩu vào Trung Quốc đều có thể tác động đến xuất khẩu tôm Việt Nam. Cùng đó, nếu không kiểm soát tăng trưởng nguồn cung có kỷ luật, tình trạng cung vượt cầu có thể trở thành nguy cơ khiến giá tôm giảm mạnh liên tiếp.

Năm 2021, hàng loạt nước nuôi tôm đều tăng tốc sản xuất với kỳ vọng phục hồi về sản lượng và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng gồm Mỹ, châu Âu và một số nước châu Á. Trong bối cảnh đó, để gia tăng cạnh tranh, không chỉ chú trọng vào số lượng, chất lượng, tôm Việt Nam cũng cần xây dựng các chiến lược marketing hiệu quả với 6 điểm trọng tâm để tăng cường hình ảnh. Thứ nhất, tập trung vào các lợi ích sức khỏe của sản phẩm tôm, đập tan mọi thông tin tiêu cực liên quan đến sản phẩm như tôm chứa kháng sinh, hoặc cholesterol xấu. Tìm kiếm sự cân bằng giữa lợi ích sức khỏe của tôm trong khi vẫn đảm bảo chắc chắn sản phẩm đó thực sự an toàn. Thứ hai, thúc đẩy tiêu thụ tôm qua các công thức chế biến đơn giản, thú vị và có hình ảnh kèm theo. Rất nhiều người tiêu dùng tôm tại Mỹ luôn đòi hỏi công thức chế biến đi cùng sản phẩm. Thứ ba, số hóa quảng cáo qua phương tiện truyền thông mạng xã hội có thể dễ dàng giúp nhà xuất khẩu nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng. Luôn sẵn sàng cung ứng sản phẩm trực tuyến cũng là một cách để tăng marketing và doanh số. Trung Quốc là một ví dụ – nơi các sản phẩm tôm đa dạng, đủ thể loại luôn sẵn có trên các website bán hàng trực tuyến. Thứ tư, tập trung vào bền vững và tính toàn vẹn qua các câu chuyện. Sự tin tưởng là yếu tố quan trọng để đưa ra quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Họ luôn muốn biết sản phẩm có đạt tiêu chuẩn và được sản xuất trách nhiệm hay không. Với người Bắc Âu và Trung Quốc, chứng nhận ASC luôn được ưu tiên trong khi BAP lại phổ biến hơn ở Mỹ. Thứ năm, dẫn dắt người tiêu dùng bằng câu chuyện phía sau hành trình sản xuất tôm. Ngoài bền vững, truy xuất nguồn gốc cũng rất quan trọng ở các thị trường tiêu thụ. Hãy biến sản phẩm tôm nổi bật bằng cách tập trung vào những câu chuyện về hành trình của con tôm từ trang trại đến bàn ăn. Một số công ty đã truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của họ qua mã QR có thể quét hoặc đăng nhập trên website. Và cuối cùng là thu hút cộng đồng người tiêu dùng; đây cũng là chìa khóa nếu muốn người tiêu dùng trung thành với sản phẩm.

Phó Chủ tịch Charoen Pokphand Foods

Robins McIntosh

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!