T5, 16/02/2023 09:28

Chiến lược tam ngư

(TSVN) – Đầu năm mới Quý Mão, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ lòng mình với ngư dân một cách khá sâu sắc khi “ngẫm nghĩ về câu chuyện tam ngư”.

Bộ trưởng viết: “Chiến lược ‘Tam ngư: ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường’ để hướng tới mục tiêu quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương. Ngư dân cần được đặt ở vị trí trung tâm, với vai trò chủ thể. Dù là khai thác, nuôi trồng hay bảo tồn biển, thì ngư dân luôn là những người tham gia đông đảo nhất. Con người luôn có cảm xúc, dễ bị ảnh hưởng từ tác động của ngoại cảnh: thời tiết, giông bão, điều kiện xã hội…”.

Ông xúc động kể những dịp đến các cảng cá dọc theo 3.260 km bờ biển nước ta. Đến từng cảng, ông hiểu hơn những con người bao đời gắn bó với biển khơi, với vùng ven bờ; cảm nhận thêm, gió đang thổi vào từ biển, ngọn gió mát lành, lồng lộng cũng có, mà những ngọn gió cuồn cuộn như thét gào cũng có. Ông thăm hỏi ngư dân, trao đổi với quản lý bến cảng, chia sẻ với lực lượng Kiểm ngư, nhìn những người khuân vác để cảm nhận “mùi thủy sản hòa quyện với mùi mặn của biển, mùi mặn của những giọt mồ hôi”.

Cùng với gia đình ngư dân, ông đứng trên bến cảng nhìn ra biển. “Nhìn những con tàu nhiều màu sắc, màu nhạt màu phai vì dạn dày nắng gió, cảm nhận được ‘biển mênh mông nhường nào’ mà nghĩ về đồng bào, đồng nghiệp ngày đêm sinh sống và làm việc ngoài biển khơi. Đó là những ngư dân trên những con tàu rong ruổi theo luồng cá tôm, những người xem biển vừa là nghề vừa là nghiệp”. Ông tự dặn lòng: “Muốn thấu cảm con người, không thể đứng trên, đứng ngoài, mà hãy luôn kề cạnh, hòa mình vào những hoàn cảnh, chuyện đời theo sóng biển lênh đênh”.

Chiến lược tam nông đặt ra từ đó, để phát triển nghề cá, giao cho những người quản lý trọng trách nặng nề. Hiện sản vật dưới biển đã suy giảm nhiều, tất cả cũng do con người vắt kiệt biển bằng chất nổ, hóa chất độc hại và nhiều cách tận diệt khác. Biển mạnh mẽ nhưng cũng dễ tổn thương, nếu không cùng nhau nâng niu biển, tôn trọng biển, thì sẽ không còn gì trao lại cho thế hệ mai sau.

Cho nên, mỗi con tàu ra khơi đã được cấp số hiệu để quản lý; bến cảng được đầu tư nâng cấp. Nhưng quan trọng nhất là làm sao “nâng cấp” cuộc đời những con người suốt đời gắn bó với bến cảng, với biển khơi? Làm sao bến cảng là không gian để chủ tàu, ngư dân, người làm dịch vụ quây quần chia sẻ những câu chuyện về biển khơi ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai? Làm sao hướng đến cơ chế “Cộng đồng đồng quản lý” để mỗi thành viên sống và làm nghề có trách nhiệm với biển?

Những suy tư của Bộ trưởng Lê Minh Hoan chắc chắn cũng là của mỗi người có trách nhiệm với chiến lược tam nông. Cụ thể trước mắt là khắc phục tình trạng khai thác IUU đầu năm 2023 theo chỉ đạo của Chính phủ; giữ các khu bảo tồn biển chiếm 0,175% diện tích vùng biển hiện nay (174.748,85 ha) và tăng lên 0,25% vào năm 2025.

Kết thúc tâm tình đầu xuân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt câu hỏi: “Biển đã biết thương ta, nhưng làm thế nào ta vẫn mãi giữ trọn tình thương với biển?”. Một câu hỏi để mọi người yêu biển, yêu nghề cá và nhất là yêu ngư dân cùng suy nghĩ, hành động từ đầu năm mới.

Nhà báo Sáu Nghệ

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!