THỨ TƯ, ngày 22/1/2025

T5, 23/07/2020 05:35

Chứng nhận quốc tế không phải chìa khóa thần kỳ

Nhiều thị trường luôn coi trọng những sản phẩm đạt chứng nhận quốc tế. Có thể họ cảm thấy an tâm hơn về xuất xứ của chúng. Tuy vậy, chứng nhận quốc tế chỉ tạo thuận lợi bước đầu, bởi chất lượng sản phẩm mới là yếu tố quyết định sự sống còn của sản phẩm.

Ở một số thị trường, chứng nhận của bên thứ ba độc lập trở thành yêu cầu tối thiểu buộc doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng. Cần phải nhớ rằng những nhà bán lẻ quốc tế luôn lo ngại uy tín kinh doanh và thương hiệu sản phẩm bị ảnh hưởng. Bằng mọi giá, họ phải giữ vững chữ tín. Những chứng nhận quốc tế như Chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất (BAP) được coi là giải pháp giúp các nhà bán lẻ loại trừ được mối lo ngại kể trên.

Theo ý kiến một vài kênh bán lẻ, sản phẩm đạt chứng nhận BAP đáng tin hơn, vì nó đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch về nguồn gốc sản phẩm, an toàn, giảm thiểu tác động tiêu cực, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Tại Liên minh Nuôi trồng Thủy sản toàn cầu (GAA), tất cả chúng tôi đều tin rằng nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm mang lại nhiều lợi ích to lớn, điển hình là tỉ lệ sống của vật nuôi cao, ít phải sử dụng hóa chất trị liệu, do những trại nuôi này luôn có kế hoạch hoạt động đảm bảo an toàn thú y và phúc lợi tốt nhất. Chúng tôi sẽ tích cực làm việc để hỗ trợ người nuôi cá tra, basa Việt Nam nhận thức rõ về nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm cũng như cơ hội kinh doanh mà hoạt động này mang lại, thông qua kênh liên kết đào tạo với Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VNPA). Ngoài ra, GAA cũng có một chứng nhận tổng hợp thí điểm và mới khởi xướng Chương trình chứng nhận BAP cải tiến (iBAP) nhằm hỗ trợ người nuôi cá quy mô nhỏ có thể tiếp cận dễ nhất chứng nhận BAP.

Nhiều nhà bán lẻ coi chứng nhận thứ ba là yếu tố tiên quyết sự có mặt của sản phẩm trên thị trường. Nhưng nên nhớ rằng chứng nhận chỉ giúp việc kinh doanh thuận lợi hơn, nó không thể là chìa khóa thần kỳ mở tất cả cánh cửa thị trường. BAP hay nhiều chứng nhận khác cũng vậy, chỉ là một trong nhiều yếu tố mà nhà nhập khẩu cân nhắc sử dụng làm công cụ hữu ích giúp họ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chất lượng sản phẩm mới là yếu tố quyết định.

VietGAP được coi là “bàn đạp” hướng tới chứng nhận BAP. Điều này có nghĩa, những trại nuôi đáp ứng được các tiêu chuẩn VietGAP sẽ có khả năng tiến tới chứng nhận BAP dễ hơn, vì họ đã có nhận thức tốt hơn về thực hành nuôi trồng Thủy sản trách nhiệm. Liên minh Nuôi trồng Thủy sản toàn cầu (GAA) cũng vừa tiến hành lễ ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) với Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VNPA). Theo một phần nội dung của MoU, GAA sẽ liên kết đào tạo với VNPA để giúp xây dựng các trại nuôi cá tra, basa Việt Nam theo tiêu chuẩn VietGAP và kết hợp thêm các bước thực hành nuôi trồng có trách nhiệm cần thiết để đạt tiêu chuẩn BAP.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm giúp cá tra Việt Nam nâng cao chất lượng – Ảnh: Lê Hoàng

Ngành công nghiệp nuôi cá tra, basa tại Việt Nam cần phải làm rõ tính bền vững trước tiên. Mục tiêu của GAA là giúp định rõ khái niệm bền vững dưới góc độ giá trị kinh tế, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội. Theo thông tin của chúng tôi, chỉ có 20% hộ nuôi cá tra, basa Việt Nam đạt các chứng nhận của bên thứ ba độc lập. Như vậy còn tới 80% hộ nuôi không theo tiêu chuẩn nào. Chúng ta vẫn còn quá nhiều việc cần phải bắt tay vào làm để giảm thiểu dịch bệnh tiềm ẩn, cũng như những tác động tiêu cực đang tích tụ trong ngành cá tra. GAA đánh giá VietGAP là một bước tiến tích cực giúp xây dựng nền tảng hoạt động thực hành thủy sản bền vững cho ngành công nghiệp cá tra, basa Việt Nam. GAA luôn mong đợi được sát cánh với VNPA tìm giải pháp cho hơn 80% trại nuôi không theo tiêu chuẩn, trên tinh thần đi theo VietGAP rồi hướng tới đạt chứng nhận BAP. Nhìn dưới góc độ kinh tế, những chứng nhận của bên thứ ba độc lập như BAP tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, góp phần mang lại sự bền vững về kinh tế. Bởi vậy, bền vững kinh tế phụ thuộc quá trình thiết lập nhu cầu thị trường cho sản phẩm cá tra, basa an toàn, chất lượng, có trách nhiệm với xã hội và môi trường.

Gần đây, VASEP và nhiều doanh nghiệp Việt Nam không nhất trí cao độ đối với quy định mới của cơ quan có thẩm quyền về hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, nhất là quy định về tỷ lệ mạ băng và hàm lượng ẩm. Họ cho rằng Nghị định 36 giúp nâng cao chất lượng cá tra nhưng đồng nghĩa sẽ làm tăng giá bán, và các nhà nhập khẩu không chấp nhận mức giá này. Kết quả là Chính phủ Việt Nam đã tạm hoãn thời hạn thực hiện Nghị định 36 trong một năm. Tôi nghĩ, Nghị định 36 nhằm giúp cá tra cải thiện hình ảnh tại nhiều thị trường quốc tế, là bước đi đúng. Chương trình chứng nhận BAP cũng góp phần hỗ trợ nâng cấp hình ảnh sản phẩm thông qua hệ thống an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, phúc lợi và thú y, nhà máy chế biến thức ăn, trại giống, nông trại, nhà máy chế biến hoạt động theo tiêu chuẩn môi trường và xã hội. Ngoài ra, việc sử dụng phụ gia được theo dõi khá nghiêm ngặt suốt khâu quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm của tiêu chuẩn BAP. Ngành cá tra Việt Nam cần phải được nâng cấp toàn diện, không chỉ là hình ảnh đẹp mà còn cần phải chú trọng chất lượng.

Giám đốc Phát triển kinh doanh quốc tế, GAA

Carson Roper

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!