T5, 23/07/2020 05:35

Chứng nhận quốc tế: Vì tiền và sự thay đổi tư duy

Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản nuôi đều đang hướng tới các chứng nhận quốc tế về chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, ở một số nơi, nhà sản xuất vẫn ngờ vực lợi ích do những tiêu chuẩn này mang lại, chúng là chìa khóa để mở cánh cửa thị trường hay chỉ đơn giản là chi phí tốn kém và không tránh được? Các chứng nhận này sẽ thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng thực hành tốt nhất hay chỉ bòn rút tiền từ nhà sản xuất rồi đổ lên lưng người tiêu dùng?

Tại hội nghị GOAL do Liên minh thủy sản toàn cầu (GAA) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Lê Văn Quang – Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy hải sản Minh Phú đã trở thành tâm điểm của Hội nghị, khi thẳng thắn chia sẻ thông tin công ty này đã đạt tất cả các chứng nhận quốc tế cần thiết. Theo ông Quang, Minh Phú dành 50% thời gian hoạt động của mình tham gia góp ý kiến tại các cuộc hội thảo nuôi trồng thủy sản, đồng thời nghiên cứu cách thức đạt được tiêu chuẩn trong sản xuất, chế biến. Ông Quang cũng đề xuất hàng loạt tiêu chuẩn cần phải áp dụng cho trại giống, trại nuôi, chất lượng sản phẩm, điều kiện sản xuất, phúc lợi con người. Theo đó, trong bối cảnh kinh tế thị trường tự do, chỉ có 3 tiêu chuẩn chính về quản lý môi trường và chất lượng sản phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất: Tiêu chuẩn thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất (BAP) của Liên minh nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA), GlobalGAP và Chứng nhận ASC của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản toàn cầu (ASC).

Ông Peter Redmond, Giám đốc phát triển thị trường của GAA cho rằng ông Quang hoàn toàn đúng khi thẳng thắn bộc bạch những điều mọi người đều muốn nói nhưng lảng tránh vì e ngại. Ông Redmond khẳng định, Minh Phú sẽ sớm đạt chứng nhận ASC cho các trại nuôi tôm của họ, bởi công ty này đã đạt chứng nhận BAP, GlobalGAP.

Theo Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), ASC là chứng nhận quốc tế non trẻ nhất trong lĩnh vực thủy sản, nhưng có “quyền lực” nhất. Ra đời năm 2012, chứng nhận này phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, đặc biệt trong lĩnh vực cá tra, basa ở Việt Nam. 20% cá tra, basa ở Việt Nam đã đạt chứng nhận ASC. Theo ông Chris Ninner, Giám đốc điều hành ASC, nếu chỉ nhìn ở góc độ khoản phí doanh nghiệp phải bỏ ra để đạt được và duy trì chứng nhận thì sẽ khó thấy lợi ích to lớn, lâu dài. Bằng cách thúc đẩy sản xuất theo hướng thực hành tốt nhất, ASC đã giúp doanh nghiệp đạt nhiều lợi ích tài chính, xã hội thông qua việc cải thiện quan hệ với cộng đồng địa phương và nông dân. Điển hình nhất là Công ty Thuận An, giảm 10% tỉ lệ cá tra, basa giống bị chết trong năm đầu tiên sau khi đạt chứng nhận ASC, từ đó chi phí sản xuất của công ty này cũng giảm đáng kể.

Lợi ích do ASC hay các chứng nhận quốc tế khác mang lại quá rõ. Đó là cơ hội tiếp cận thị trường, niềm tin của khách hàng, chính quyền và nhà đầu tư tiềm năng, những khoản tiết kiệm chi phí vô hình nhưng to lớn và ý nghĩa. Việc có tham gia và có nỗ lực đạt các chứng nhận quốc tế hay không, bản thân doanh nghiệp tự nguyện và tự quyết. Cánh cửa thị trường chỉ rộng mở với những doanh nghiệp biết nhìn xa trông rộng.

Biên tập viên cao cấp của Seafoodsource

James Wright

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!