(TSVN) – Với tốc độ mở rộng liên tục như hiện nay, ngành thủy sản cần nhiều thay đổi mang tính mục tiêu hơn để xây dựng được một ngành khai thác và nuôi trồng đảm bảo các tiêu chí bền vững, công bằng và toàn diện hơn.
Một cuộc “Chuyển đổi xanh” trong cách chúng ta sản xuất, quản lý, kinh doanh và tiêu thụ thức ăn thủy sản chính là yếu tố quan trọng, nếu chúng ta muốn đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Sự tăng trưởng của ngành khai thác và NTTS là yếu tố quan trọng để chúng ta nỗ lực và tự tin hơn trong công cuộc xóa nạn đói và suy dinh dưỡng trên toàn cầu. Nhưng hai lĩnh vực này cần có sự cải tiến hơn mới có thể giải quyết các thách thức hiện nay. Chúng ta phải chuyển đổi các hệ thống sản xuất thực phẩm nông nghiệp để đảm bảo thực phẩm thủy sản được thu hoạch một cách bền vững, đồng thời bảo vệ sinh kế của người dân và môi trường sống của sinh vật dưới nước cùng sự đa dạng sinh học.
Theo thống kê, hơn 157 triệu tấn – tương đương 89% sản lượng thủy sản được sử dụng trực tiếp cho con người vào năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Thực phẩm thủy sản đóng góp khoảng 17% lượng protein động vật được tiêu thụ trong năm 2019, đạt 23% ở các nước có thu nhập trung bình thấp và hơn 50% ở các khu vực châu Á và châu Phi.
Các quốc gia châu Á là nguồn cung cấp 70% sản lượng thủy sản và NTTS thế giới vào năm 2020, tiếp theo là khu vực châu Mỹ, châu Âu, châu Phi và châu Đại Dương. Trong đó, Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất thủy sản hàng đầu thế giới, tiếp đến là Indonesia, Peru, Nga, Mỹ, Ấn Độ và Việt Nam.
NTTS đã phát triển nhanh hơn đánh bắt trong hai năm qua và dự kiến sẽ mở rộng hơn nữa trong thập kỷ tới. Năm 2020, sản lượng NTTS đạt 87,5 triệu tấn, cao hơn 6% so năm 2018. Mặt khác, sản lượng khai thác thủy sản đạt 90,3 triệu tấn, giảm 4% so mức trung bình của ba năm trước.
Hệ thống thực phẩm thủy sản đang chịu áp lực từ việc bùng nổ dân số, môi trường ô nhiễm, đại dịch và biến đổi khí hậu. “Chuyển đổi xanh” là một quá trình hướng đến mục tiêu, qua đó các thành viên của FAO cùng các đối tác có thể tối đa hóa sự đóng góp của hệ thống thực phẩm thủy sản, nhằm tăng cường an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và chế độ ăn lành mạnh với giá cả hợp lý trong ranh giới sinh thái. “Chuyển đổi xanh” gồm 3 mục tiêu chính: nuôi bền vững; quản lý hiệu quả và nâng cấp chuỗi thực phẩm. Đây là một chiến lược có tầm nhìn xa, nhằm mục đích nâng cao vai trò của hệ thống thức ăn thủy sản bằng cách cung cấp khuôn khổ pháp lý, chính sách và kỹ thuật cần thiết để duy trì tăng trưởng và đổi mới. Trong chiến lược này, FAO đã đề xuất một loạt các hành động hỗ trỡ khả năng phục hồi hệ thống sản xuất thực phẩm thủy sản, đảm bảo nghề cá và nuôi trồng bền vững, đồng thời không bỏ sót một ai. Chính sách và thực tiễn thân thiện khí hậu, môi trường, cũng như các đổi mới công nghệ là những nền tảng quan trọng cho “Chuyển đổi xanh”.
Tổng Giám đốc FAO