(TSVN) – Quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030 vừa công bố ngày 21/6/2022 tại Cần Thơ đang mở ra nhiều cơ hội phát triển. Trong đó, các doanh nghiệp có cơ hội đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Về nội dung quy hoạch có 9 đột phá chiến lược. Thứ nhất, chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên hướng tới một mô hình kinh tế xanh, lấy “con người” làm trung tâm. Thứ hai, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị, trong đó chú trọng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực về con người và khoa học, công nghệ. Thứ ba, phát triển thủy sản – trái cây – lúa gạo phù hợp với thị trường, trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại vùng sản xuất theo lợi thế tài nguyên nước và thổ nhưỡng.
Thứ tư, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung. Thứ năm, phát triển kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế – xã hội và thúc đẩy liên kết vùng; đến năm 2030, ĐBSCL sẽ có khoảng 830 km đường bộ cao tốc, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa. Thứ sáu, xây dựng hệ thống 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp.
Thứ bảy, khai thác và sử dụng tài nguyên nước chuyển từ đáp ứng nhu cầu sang chủ động quản lý nhu cầu về nước. Thứ tám, chú trọng bảo tồn các cảnh quan, sinh thái, văn hóa lịch sử, văn hóa dân tộc, văn hóa sông nước. Thứ chín, tăng cường liên kết phát triển giữa các địa phương ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ; mở rộng giao thương với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông.
Kế hoạch thực hiện quy hoạch có 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Một là, phát triển kinh tế nông nghiệp giá trị cao, hiệu quả cao, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, trong đó tập trung phát triển các trung tâm đầu mối, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, công nghệ cao, đảm bảo ATTP. Hai là, phát triển khu vực đô thị – công nghiệp động lực, trong đó tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh, hệ thống logistics, hạ tầng kỹ thuật của khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Bốn là, xây dựng môi trường sống tốt, điểm đến hấp dẫn.
Để quản lý, thực hiện quy hoạch có Hội đồng điều phối vùng. Tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến 460 nghìn tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay: “Các doanh nghiệp và nhà đầu tư có rất nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, gia tăng đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế tại vùng ĐBSCL”.
Các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư đã được xác định. Đó là PPP phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp kết hợp du lịch, nông nghiệp giá trị cao. Công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành hỗ trợ cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Công nghiệp năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Dịch vụ vận tải logistics; dịch vụ y tế, giáo dục; du lịch và bất động sản.