Người ta có thể định nghĩa khái niệm bền vững cơ bản cực kỳ đơn giản nhưng để đạt được sự bền vững trong sản xuất tôm lại là điều không dễ dàng.
Nếu thế hệ con cháu của chúng ta có thể nuôi tôm bằng những phương pháp tương tự hoặc theo chính những cách mà thế hệ cha ông đang sử dụng trên cùng một mảnh đất mà vẫn đảm bảo lợi nhuận thì đó cũng được coi là bền vững thực sự. Nhưng điều đáng tiếc, hiện nay nhiều người nuôi tôm đang phớt lờ những tác động của môi trường, một số khác nhận thức được nhưng không tìm cách để giảm thiểu các tác động này. Các mô hình sản xuất tôm rồi sẽ thay đổi theo thời gian khi các chương trình lựa chọn giống và gien di truyền cùng chế độ dinh dưỡng được cải thiện. Chỉ có dịch bệnh cứ đến hẹn lại lên và một điều khó tránh là nuôi theo số lượng lớn trong môi trường sẽ dẫn đến các vấn đề stress và tạo điều kiện thuận lợi cho sự thâm nhập hoặc lây lan của mầm bệnh giữa các vật nuôi dễ bị tổn thương như tôm. Ngăn chặn dịch bệnh chính là hướng tiếp cận duy nhất để đảm bảo bền vững cho ngành tôm.
Ngành tôm nuôi toàn cầu đã ghi nhận sự lớn mạnh kỷ lục ở sản lượng, lợi nhuận nhờ tôm giống được cải thiện và sạch bệnh. Tuy nhiên, nếu không có những biện pháp an toàn sinh học phù hợp thì sự bùng nổ của ngành tôm toàn cầu sẽ chẳng mấy chốc rơi vào tình trạng “sớm nở tối tàn”. Nuôi tôm bền vững phải đi kèm lợi nhuận ổn định. Bởi vậy, cùng với vô số rủi ro mà ngành tôm đang gặp phải, trước tiên người nông dân phải nắm được cách kiểm soát toàn bộ hệ thống sản xuất theo hướng giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất. Điều này là yếu tố cực kỳ quan trọng, quyết định sự bền vững của một trại nuôi.
Đáng nói, hai nước sản xuất tôm lớn nhất trong năm 2008 là Thái Lan và Trung Quốc đã không còn giữ vững ngôi vị đầu bảng nữa. Sản lượng tôm của Trung Quốc đã giảm mạnh do chính cách nuôi tôm thiếu bền vững dẫn đến sự xuất hiện và phát triển của nhiều dịch bệnh mới. Ngành tôm Thái Lan còn rối ren hơn. Sản lượng tôm sụt giảm thảm hại cũng do dịch bệnh.
Nuôi tôm bền vững là cả một câu chuyện dài nhưng tóm lại, người nông dân cần phải nhớ 2 nguyên tắc cơ bản đó là giảm thiểu được các tác động của những yếu tố có thể kiểm soát được lên sản lượng và thứ hai là phải đảm bảo được chi phí sản xuất luôn ở mức thấp ở mọi thời điểm suốt vụ nuôi, mà những chi phí này chủ yếu là thức ăn và con giống.
Ngành tôm Việt Nam có đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào khả năng nuôi tôm bền vững. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam, mà của nhiều quốc gia nuôi tôm lớn trên thế giới. Hãy rút ra bài học từ chính những thất bại của họ. Thị trường chính là một yếu tố mà chúng ta không thể nào kiểm soát được. Nếu lợi nhuận của nông dân bấp bênh, tỷ lệ sống của tôm thấp, tốc độ tăng trưởng kém và chất lượng không ổn định thì khi giá sụt giảm, lợi nhuận không có sẽ khiến ngành tôm lao dốc không cứu vãn được.