T3, 04/07/2023 10:32

Cửa khẩu thông minh mở thị trường

(TSVN) – Trong tháng 5, sản lượng thủy sản ước đạt 3,4 triệu tấn; tăng 1,4% so cùng kỳ năm 2022. Về xuất khẩu, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản là 3 thị trường lớn nhất của Việt Nam.


Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 6/2023 của Bộ NN&PTNT nhấn mạnh công tác mở thị trường. Trong tháng 5, sản lượng thủy sản ước đạt 3,4 triệu tấn; tăng 1,4% so cùng kỳ năm 2022. Về xuất khẩu, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản là 3 thị trường lớn nhất của Việt Nam. Thị trường Trung Quốc đang diễn ra thuận lợi, những yêu cầu của thị trường này đã được liên tục cập nhật để các doanh nghiệp chủ động đáp ứng, tăng hiệu quả. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, thời gian tới, các đơn vị quản lý phải truyền thông tin thị trường đến doanh nghiệp nhanh hơn, “truyền thông tin nhanh để nhận lại thông tin nhanh”. Công tác này có liên quan đến hoàn thiện nội dung chuyển đổi số, chiến lược phát triển khoa học công nghệ.

Cửa khẩu thông minh cũng là nội dung được thảo luận trong chuyến làm việc ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam. Ngày 30/5/2023, Thứ trưởng Nam làm việc với Cục trưởng Hải quan Nam Ninh để thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Quảng Tây. Cục trưởng Hải quan Nam Ninh đề xuất: “Nghiên cứu đưa hệ thống cửa khẩu thông minh vào hoạt động thí điểm. Hiện nay, phía Trung Quốc đã đề xuất thiết lập hệ thống Hải quan thông minh còn phía Việt Nam thì cho ra đời hệ thống Cửa khẩu số, rất tương đồng về quan điểm”. Thứ trưởng Nam thống nhất: “Thế giới đang hướng đến mục tiêu hiện đại, thông minh nên chúng ta cũng cần sớm xây dựng hệ thống cửa khẩu thông minh”.

Tỉnh Quảng Tây có diện tích lớn và nền nông nghiệp phát triển của Trung Quốc, chung biên giới với 3 tỉnh của Việt Nam là Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Tính đến năm 2022, Việt Nam có 24 năm liên tiếp là bạn hàng mậu dịch lớn nhất của Quảng Tây. Riêng năm 2022, tổng giá trị nông sản Việt Nam xuất sang Quảng Tây hơn 14 tỷ NDT. Trong 4 tháng đầu năm 2023, Quảng Tây nhập 2,49 tỷ NDT nông sản của Việt Nam, tăng 44,7% so cùng kỳ 2022, chiếm 19,7% nông sản Việt Nam vào Trung Quốc.

Việc xây dựng cửa khẩu thông minh đã được đặt ra từ trước, chẳng hạn tại Diễn đàn thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản giữa Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây) ngày 8/3/2023. Diễn đàn đi sâu vào phát triển giao thương giữa cửa khẩu Đông Hưng của Trung Quốc và Móng Cái của Việt Nam với những giải pháp xây dựng khu dịch vụ toàn diện “cửa khẩu thông minh” và “cặp chợ biên giới thông minh”. Ở đây áp dụng công nghệ dữ liệu lớn, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo vào vận tải, đảm bảo an ninh và dịch vụ. Nhiều vấn đề được chú trọng như tiêu chuẩn xuất, nhập khẩu nông sản; cơ chế thông quan, cấp mã QR để kiểm soát hàng hóa và chính sách để hai bên phối hợp điều hành, xây dựng kho lạnh ở khu vực biên giới, đáp ứng nhu cầu phát triển giao thương thủy sản.

Trong thảo luận xây dựng cửa khẩu thông minh, đặc biệt đặt ra vấn đề thành lập các chuỗi doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc trong lĩnh vực logistics, trọng tâm là chuỗi lạnh với sự kiểm soát của cơ quan chức năng hai nước. Nhu cầu trao đổi, giao thương giữa doanh nghiệp hai bên là rất lớn và theo đó, cũng cần thiết thành lập các nhóm hay hiệp hội doanh nghiệp để làm không gian kết nối thuận lợi.

Sáu Nghệ

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!