(TSVN) – Nhập khẩu tôm vào thị trường Mỹ chạm kỷ lục 890.000 tấn vào năm ngoái và Ecuador là quốc gia đầu tiên đạt sản lượng 1 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Na Uy năm ngoái đạt 13,7 tỷ USD, tăng kỷ lục 14,3% so năm 2020.
Con số này gồm 1,4 triệu tấn thủy, hải sản nuôi, trị giá 9,7 tỷ USD. Trong khi đó, doanh số bán lẻ thủy, hải sản của Mỹ cũng lập kỷ lục mới vào năm 2021 nhờ nhu cầu tiêu thụ mạnh trong bối cảnh lạm phát. Doanh số bán lẻ thủy, hải sản tươi sống đạt 7,1 tỷ USD, tăng 30,8% so thời điểm trước đại dịch vào năm 2019. Doanh số bán lẻ thủy sản đông lạnh đạt 7,2 tỷ USD, tăng 40,8% so năm 2019.
Theo Rabobank, ngành NTTS sẽ là ngành đầu tiên đại thắng trong năm 2022. Dẫn đầu sẽ là nhóm sản phẩm tôm và cá hồi nuôi. Châu Á, với vai trò là vùng sản xuất chính phải tận dụng mọi cơ hội từ đà tăng trưởng của ngành tôm. Với mức sản lượng tôm nuôi toàn cầu hiện nay là 4,58 triệu tấn, dự báo đến năm 2020 sẽ nâng lên trên 6 triệu tấn, dù với mức tăng trưởng kép liên tục 3%. Thông thường, cung vượt cầu thì giá sẽ giảm, nhưng thực tế suốt 2 năm qua đã chứng minh nhận định này không còn chính xác nữa. Tuy nhiên, ngành tôm châu Á vẫn còn 3 vấn đề cần phải khắc phục. Đầu tiên là sản xuất không ổn định, do chu kỳ nuôi ngắn, nông dân có thể dừng nuôi ngay lập tức nếu thấy giá đi xuống. Tiếp đến, ngành tôm châu Á chưa xây dựng được hình ảnh và thương hiệu bền vững và cuối cùng, các nhà đầu tư vẫn cho rằng nuôi tôm ở châu Á như một canh bạc.
Rabobank cũng ghi nhận mức tiêu thụ thủy, hải sản tại kênh bán lẻ cao hơn do các gia đình có xu hướng nấu ăn tại nhà, cùng đó nhu cầu đối với các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe cũng tăng trong khi nguồn cung thủy, hải sản tiện lợi lại dồi dào. Sự tăng trưởng này mang lại lợi ích cho cá hồi, nhưng người tiêu dùng đang tìm kiếm sản phẩm thay thế từ cá thịt trắng nuôi. Dù chỉ có thể tiêu thụ một lượng cá hồi nhất định trong 1 tuần, nhưng đây lại là sản phẩm có giá trị cao hơn các loại cá thịt trắng phổ biến như rô phi hay cá tra. Đây là lúc châu Á đa dạng sản phẩm ngoài con tôm bằng các loại cá thịt trắng tiềm năng khác như cá vược, cá tráp, cá mú, hoặc cá hồng.
Đáng tiếc, nông dân bán giá thấp, trong khi người tiêu dùng phải mua hàng ở siêu thị với giá đắt đỏ. Trong ngắn hạn, giá cá trên toàn cầu sẽ không được quyết định bởi cung cầu mà sẽ bị chi phối bởi các đợt gián đoạn chuỗi cung ứng. Nông dân bỏ vụ nuôi tôm dẫn đến tình trạng bất ổn và biến động mạnh về cung lẫn cầu. Chu kỳ nuôi cá vược là 18 tháng để đạt cỡ thương phẩm trên 2 kg nhưng châu Á không có mùa đông khắc nghiệt như Địa Trung Hải, nên nuôi sẽ thuận lợi hơn, nhưng đòi hỏi toàn chuỗi cung ứng phải hoạt động ăn khớp với nhau.
Lạm phát không còn là nhất thời mà vẫn tiếp tục duy trì, cùng với giá năng lượng và thành phần thức ăn cao hơn sẽ kéo chi phí sản xuất tăng. Các nhà cung cấp sẽ không gánh chịu những chi phí này mà tìm cách chuyển sang người tiêu dùng. Ngay cả khi cung tăng, cầu cũng tăng tương ứng thì giá sẽ không giảm. Đã đến lúc ngành NTTS phải hợp lực để phát triển chuỗi cung ứng đa dạng hơn.
Aquaculture Asia Pacfic