(TSVN) – Năm 2020 nước ta và nhân loại trải qua đại dịch thế kỷ COVID-19, hàng chục triệu người khắp thế giới bị nhiễm bệnh, nhiều người tử vong, hàng tỷ người bị ảnh hưởng. Việt Nam là một trong rất ít quốc gia đã khống chế kiểm soát tốt đại dịch.
Nhân dịp đầu năm mới, Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Thượng tọa Thích Chân Quang về những vấn đề xung quanh nội dung này.
Thưa Thượng tọa, xin Thượng tọa cho biết những nhận xét của mình về việc Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch COVID-19?
Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, Nhà nước ta đã thông tin kỹ lưỡng, chu đáo, chính xác và kịp thời, để người dân biết và không chủ quan. Đồng thời, Nhà nước đã huy động mọi lực lượng, trong đó có cả quân đội, công an kết hợp ngành y tế để đối phó. Việc chống dịch diễn ra rất kỷ luật. Ngoài ra, việc xét nghiệm, chữa bệnh và cách ly miễn phí cũng giúp cho công tác kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả.
Theo thầy, việc Việt Nam khống chế thành công dịch bệnh COVID-19 trong năm 2020 có hai đặc tính nổi bật là kỷ luật và trách nhiệm. Nhà nước thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm đối với từng người dân, chính nhờ vậy, người dân tin tưởng Nhà nước và yên tâm thực hiện các yêu cầu về xét nghiệm, cách ly xã hội.
Là một nhà sư, Thượng tọa đã làm gì khi đại dịch xảy ra?
Thầy đã viết nhiều bài, trong đó khuyên dùng thuốc Nam và tập luyện thể thao để tăng cường sức khỏe.
Trong các bài giảng, bài viết, thầy cũng nói nhiều tới tinh thần trách nhiệm. Mỗi người hãy tự nghĩ mình có thể bị nhiễm, thậm chí coi mình như đã bị nhiễm, để tự bảo vệ mình, tự cách ly xã hội, không làm lây lan cho người khác. Không nên nghĩ rằng người khác bị nhiễm còn mình thì không, dẫn tới kỳ thị người khác và chối bỏ trách nhiệm với cộng đồng.
Có phải thói quen đeo khẩu trang giúp người dân phòng ngừa COVID-19 tốt hơn, thưa Thượng tọa?
Thầy cũng đọc một số bài viết có nói như vậy. Quả là người dân chúng ta từ em nhỏ đến người lớn cũng thường đeo khẩu trang. Khi dịch bệnh xảy ra thì toàn xã hội đều đeo khẩu trang. Nhưng việc chống dịch thành công không chỉ đơn giản nhờ vào cái khẩu trang. Điều thầy quan tâm là tại sao một đất nước nhỏ như chúng ta, nền kinh tế cũng chưa phải mạnh, bản thân con người không cao lớn như một số nước mà lại chiến thắng được dịch bệnh?
Dịch bệnh COVID-19 xảy ra, đất nước Việt Nam như bước vào một cuộc chiến tranh. Mọi người dân Việt Nam nhanh chóng đoàn kết lại, xoay quanh chính quyền biết lo cho lợi ích của người dân. Đây là một truyền thống, một sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, một nét văn hóa lâu đời cần phải phát huy. Chính quyền sáng suốt, luôn lấy lợi ích nhân dân làm tối thượng thì việc gì khó cũng đều có thể vượt qua được. Người dân tu dưỡng đạo đức, tương trợ nhau lúc khó khăn.
Cảm xúc của Thượng tọa khi đại dịch COVID-19 xảy ra như thế nào?
Thầy rất ấn tượng và cảm động với hình ảnh dịch bệnh COVID-19 xảy ra đợt thứ nhất, rồi đợt thứ hai… miền Trung lại bị lũ lụt hoành hành, có người thiệt mạng, bộ đội hy sinh; nhưng người dân chúng ta vẫn bình tĩnh, kiên trì, lá lành đùm lá rách, từng đoàn xe cứu trợ vượt bão lũ hướng về miền Trung. Chùa của thầy cũng liên tục tổ chức các đoàn cứu trợ ra miền Trung. Các Phật tử quyên góp giúp đỡ miền Trung rất nhiều đợt.
Tinh thần kỷ luật, đoàn kết, tương trợ là những nét đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam. Chính sự tu dưỡng đạo đức của người dân đã tạo nên tinh thần tương trợ ấy.
Thượng tọa đánh giá năm 2020 như thế nào?
Năm 2020, đất nước vẫn phát triển, nền kinh tế vẫn tăng trưởng trong đại dịch. Nhiều người cho là kỳ lạ, may mắn, nhiều người nước ngoài chia sẻ sự mến phục và sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam sau đại dịch. Uy tín và vị thế của Việt Nam tăng lên.
Thượng tọa thường nhấn mạnh đến sức mạnh của đạo đức, vậy sự tu dưỡng đạo đức ảnh hưởng như thế nào đến xã hội hiện nay, thưa Thượng tọa?
Đạo đức chiếm 70% sự thành công của một xã hội. Đạo đức với những nét cơ bản là nhân ái, sự hy sinh, sự tận tụy. Ai cũng có đạo đức trong bản thân mình, vì công việc hoặc điều này điều khác mà con người ta quên nó đi. Nhưng đạo đức cũng dễ dàng “lây lan”, lan tỏa trong xã hội nhờ sự thuyết phục, đặc biệt là làm gương.
Vậy, theo Thượng tọa vai trò của đạo đức trong xã hội hiện đại ngày nay khác trước như thế nào?
Trong một xã hội được kết nối bởi internet, truyền thông, mạng xã hội thì những tấm gương, những nét đạo đức như sự nhân ái, tinh thần trách nhiệm cũng ảnh hưởng đến tâm hồn và đời sống của tất cả mọi người. Đây là một nét mới của đạo đức trong xã hội ngày nay, xã hội chi phối bởi mạng xã hội, công nghệ tin học. Sự lan tỏa của đạo đức trong xã hội đã nhanh hơn sự lan tỏa của virus corona, nhờ đó con người chiến thắng được đại dịch.
Đạo đức như nền móng của một xã hội, nền móng của từng cá nhân. Nền móng càng rộng, càng vững chắc thì càng có thể xây dựng nên những công trình vươn cao. Các tôn giáo luôn đề cao đạo đức và đạo đức của các tôn giáo cùng hòa đồng vào đạo đức của dân tộc, tạo nên một sức mạnh mềm của đất nước Việt Nam.
Thượng tọa nhận định thế nào về năm 2021?
Năm 2021, thế giới và Việt Nam sẽ có vaccine phòng dịch COVID-19, con người sẽ tự tin hơn, mọi hoạt động của xã hội sẽ dần được phục hồi.
Năm 2021, con người sẽ bước vào năm mới với một niềm tin, nhưng không nên tự mãn. Dịp năm mới, ai cũng cầu mong sự may mắn sẽ tới với bản thân, gia đình và cộng đồng, nhưng đừng quên ông bà dạy rằng: “Ở hiền, gặp lành”, sự may mắn chỉ tới khi có sự tu dưỡng đạo đức. Một xã hội không ngừng tu dưỡng về đạo đức, sống có trách nhiệm chính là nền tảng cho một năm mới thành công!
Trân trọng cảm ơn Thượng tọa!
Trần Nguyễn Anh
(Thực hiện)