Trong nuôi trồng thủy sản (NTTS), nghiên cứu và dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng. Tại châu Á, vấn đề dinh dưỡng và thức ăn còn đang bị bỏ ngỏ. Các nhà máy chế biến thức ăn nhiều vô kể nhưng vẫn thiếu đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp nhà máy phát triển phụ gia thức ăn nâng cao lợi nhuận mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng tối ưu cho sức khỏe vật nuôi.
Nhiều người nuôi thủy sản hay hãng chế biến thức ăn vẫn cho rằng phụ gia thức ăn là những chi phí phụ và tốn kém. Họ cần phải thay đổi lại cách nhìn nhận này bởi phụ gia thức ăn thủy sản chính là công cụ hữu ích tạo ra các công thức thức ăn linh hoạt và góp phần cải thiện hiệu quả của thức ăn. Ví dụ: Chất ức chế hoạt động mycotoxin sẽ giúp giảm những tác động tiêu cực của mycotoxin lên một số nguyên liệu thức ăn, phytogenics và axít hữu cơ; từ đó cải thiện hiệu quả thức ăn và giảm tác nhân gây mầm bệnh ở đường ruột vật nuôi… Ngành cá hồi thành công nhờ sử dụng linh hoạt phụ gia thức ăn và đó cũng là lý do ngành này được so sánh với ngành chăn nuôi heo và gà về hiệu quả toàn diện.
Tuy vậy, ngành NTTS tại châu Á lại chưa sử dụng linh hoạt các loại phụ gia thức ăn, nên vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nông dân châu Á vẫn còn “quá nặng nề” về giá thức ăn và hãng sản xuất thức ăn chỉ tập trung tạo ra các sản phẩm rẻ tiền để đánh vào tâm lý người nuôi. Nhưng điều mà cả người nuôi và công ty sản xuất thức ăn cần chú trọng chính là tính hiệu quả và đầu ra. Đó không đơn thuần là giá thức ăn mà đó là chi phí sản xuất. Khi đặt câu hỏi “để sản xuất được 1 kg cá, tôi cần phải chi bao nhiêu?” người nuôi phải tính toán chi phí sản xuất vượt lên giá thức ăn, đó sẽ là tỷ lệ chuyển đổi thức ăn, tỷ lệ tăng trưởng và môi trường. Tóm lại, tất cả đều chung một mục đích cuối cùng là tính lợi nhuận và chúng tôi gọi đây là “kinh tế dinh dưỡng”, nghĩa là bạn cần phải tìm kiếm giải pháp dinh dưỡng tối ưu để tối đa lợi nhuận.
Nuôi trồng thủy sản rủi ro hơn các loại gia súc, gia cầm vì có quá nhiều đối tượng nuôi. Ngành nuôi cá hồi đang làm rất tốt việc kiểm soát thức ăn, quản lý môi trường và ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến. Một khi đã lựa chọn được giải pháp dinh dưỡng, người nuôi cần phải khoanh vùng được đối tượng nuôi tiềm năng. Hiện nay, tôm, cá rô phi và cá da trơn đang được coi là các đối tượng nuôi phổ biến, lợi nhuận cao.
Điều quan trọng cuối cùng là cần phải giảm rủi ro dịch bệnh bằng cách phát triển kỹ năng quản lý trại nuôi. Công việc này đòi hỏi cần phải cải thiện quản lý môi trường nước khi nước ở một số nơi trên thế giới vẫn là nguồn tài nguyên có hạn. Ngoài ra, cũng cần phát triển nghề nuôi biển, nuôi nước lợ nhằm giảm phụ thuộc vào thủy sản nước ngọt.