T3, 23/01/2024 04:29

Điểm nghẽn sản xuất manh mún

(TSVN) – Vùng thủy sản quốc gia có dấu mốc phát triển đáng chú ý là Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, theo hướng thủy sản, trái cây, lúa gạo. Các ngành có lợi thế so sánh ngày càng được khẳng định với vị trí hàng đầu là “Khai thác, nuôi trồng thủy sản”. Tuy nhiên, qua năm 2023 đầy thách thức đang bộc lộ điểm hạn chế lớn là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Ngày 12/12/2023, tại Cần Thơ, VCCI công bố Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023, kết quả hợp tác nghiên cứu với Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM), cùng sự hợp tác của 30 chuyên gia nhiều lĩnh vực. Trong công bố trên, nêu rõ điểm yếu của ĐBSCL là “sản xuất nhỏ, manh mún, liên kết yếu”. Thể hiện ở sự thiếu đầu tư cho ngành chủ lực, thiếu cơ sở hạ tầng và thể chế hỗ trợ, giá trị gia tăng thấp, nên nền nông nghiệp phụ thuộc vào nhà nhập khẩu nước ngoài.

Báo cáo cho rằng, muốn phát triển các ngành phù hợp lợi thế cạnh tranh, cần xây dựng chiến lược thương hiệu vùng thông qua hợp tác công tư và hiệp hội doanh nghiệp, để thực hiện đòi hỏi ít nhất 3 điều kiện: “Phân bổ lại đất đai hiệu quả hơn; Gia tăng năng suất nhờ quy mô; Thu hút được đầu tư của khu vực tư nhân”. Cụ thể là “giảm chi phí giao dịch của việc: Chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Chuyển nhượng và góp vốn bằng đất; Bảo vệ quyền tài sản gắn liền với đất”.

Báo cáo kết luận: “Cho đến thời điểm này, thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp vẫn còn sơ khai. Các sản phẩm giao dịch trên thị trường chủ yếu còn đơn giản, như chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất, trong khi những sản phẩm giao dịch phức tạp hơn như góp vốn bằng quyền sử dụng đất chưa phổ biến. Chính vì vậy, doanh nghiệp muốn triển khai các dự án nông nghiệp cần tập trung đất đai sẽ gặp nhiều khó khăn và rủi ro khi phải thương lượng với nhiều hộ dân, làm phát sinh chi phí giao dịch rất lớn ban đầu”.

Giữa tháng 12/2023, chuyên gia Ngô Tiến Chương của GIZ (Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức), đã công bố nghiên cứu chuỗi cung ứng ngành tôm nước ta, cho biết điểm nghẽn lớn nhất là về khâu nuôi tôm, có tính chất “nhỏ lẻ, hộ gia đình”. Mỗi hộ chỉ 1 – 3 ha, nuôi mật độ cao. 

Trong lúc đó, trình độ ứng dụng công nghệ thấp, vì ĐBSCL có tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện chỉ đạt 14,9%; lao động có trình độ từ đại học trở lên là 6,8%, thấp nhất cả nước. Hạ tầng vùng nuôi lại chưa đảm bảo, thiếu vùng nuôi chuyên nghiệp tập trung, nên môi trường có dấu hiệu suy thoái. Kết quả là tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam dưới 40%, thấp hơn nhiều so với Ấn Độ 48%; Thái Lan là 55% và Ecuador 80 – 90%. 

Thực trạng sản xuất nông nghiệp, nhất là thủy sản manh mún, nhỏ lẻ, chưa khai thác hết hiệu quả tiềm năng lợi thế, đã được các cấp, các ngành thẳng thắn nhìn nhận và đề ra các giải pháp khắc phục. 

Cục Thủy sản đã nêu định hướng phát triển: “Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, để tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn, tạo đầu mối để liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển sản xuất, cần gắn chặt với nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm; chú trọng nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tôm Việt Nam”.

Sáu Nghệ

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!