Nuôi cá ngoài khơi theo quy mô lớn tại Đông Nam Á có tiềm năng phát triển, bởi đây là cách tốt nhất giải bài toán nguồn cung cho nhu cầu tiêu thụ thủy sản đang không ngừng tăng cao tại khu vực này.
Có nhiều lý do tại sao tôi nhìn thấy tiềm năng nuôi cá ngoài khơi tại khu vực này, nhưng lý do trước tiên mà ai cũng thấy đó là nhiều loài cá tự nhiên đang bị khai thác quá mức, thậm chí có nguy cơ bị đe dọa. Nhìn sang Na Uy, một đất nước với 5 triệu dân nhưng đã sản xuất được hơn 1,5 triệu tấn cá biển/năm. Scotland, Australia, Canada hay Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác cũng xây dựng được những hệ thống lồng nuôi cá kiên cố ngoài khơi với sản lượng rất cao. Nhưng Đông Nam Á chỉ có mô hình nuôi cá lồng ven bờ.
Tại Đông Nam Á, loại cá biển đang được nuôi lồng nhiều nhất là cá măng nhưng đây không phải loài có giá trị cao và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Nếu ra khỏi Philippines, Indonesia, Đài Loan thì con cá này hoàn toàn “vô danh”. Trong khi, nhiều đối tượng có giá trị cao như cá mú lại chưa được nuôi rộng rãi. Đã đến lúc Đông Nam Á phải “khởi động” nghề nuôi cá ngoài khơi quy mô lớn theo công nghệ tiên tiến sẵn có. Tôi tin rằng, Đông Nam Á sẽ đuổi kịp thế giới khi khu vực này bắt tay vào hoạt động nuôi cá ngoài khơi.
Chính phủ nhiều nước cũng bắt đầu quan tâm hơn khi nhận thấy giá trị của nghề nuôi cá biển ngoài khơi. Tại Indonesia, Chính phủ đang xây dựng 3 cơ sở nuôi cá lồng ngoài khơi và nuôi thử nghiệm bằng công nghệ mới hay Công ty nuôi thủy sản Marine Life tại đây đã lắp đặt hệ thống lồng chìm sâu dưới nước biển gần đảo St. John.
Thách thức lớn nhất của nghề nuôi cá lồng ngoài khơi tại Đông Nam Á lại gói gọn trong một từ duy nhất “sự an toàn”. Công nghệ nuôi cá ngoài khơi vốn dĩ đã rất thành công trên khắp thế giới. Nhưng các lồng nuôi ven biển tại khu vực này vẫn gặp phải nhiều vấn đề về an ninh, và thường xuyên bị trộm cắp! Thách thức thứ hai là làm thế nào để các cấp quản lý tại một số quốc gia nhận thức được giá trị của việc chuyển đổi sang mô hình nuôi cá ngoài khơi, từ đó sẽ tích cực tham gia cấp phép cho vùng sản xuất mới và thiết lập hệ thống luật lệ củng cố, bảo vệ và song hành cùng nghề nuôi cá ngoài khơi.
Một vấn đề quan trọng không kém là nguồn cung con giống chất lượng. Không như giống cá nước ngọt được sản xuất trong thời gian không quá 1 năm, giống cá biển lại cần tối thiểu 2 – 3 năm. Nguồn thức ăn nuôi con giống theo từng giai đoạn cũng khác nhau, đòi hỏi người sản xuất thức ăn phải có trình độ cao.
Tuy nhiên, việc lựa chọn đối tượng nuôi giá trị cao luôn phải đi kèm nguồn thức ăn và nguồn cung con giống. Nếu không có con giống chất lượng, và nguồn thức ăn phù hợp, thì dù giống cá đó có giá trị cao đến mấy, hoạt động nuôi cũng không khả thi. Theo tôi, Đông Nam Á có thể cân nhắc một số loại cá giá trị cao ở tầm trung như cá seabass, cá cobia. Đây là những loại cá có thị trường tiêu thụ rộng lớn.