Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là tiêu chí hàng đầu trong đánh giá chất lượng thực phẩm, riêng với con tôm là phải sạch, nên giải pháp cơ bản nhất là phải nuôi tôm sạch theo chuẩn quốc tế có chứng nhận, như: BAP, ASC. Muốn vậy, cần có sự hợp tác, thành lập các HTX hay trang trại lớn vì các chủ ao nhỏ lẻ khó lòng kham nổi do chi phí sẽ quá lớn, không hiệu quả.
Giải pháp thứ hai là phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi vì muốn tăng sản lượng nhưng không tăng diện tích buộc phải nuôi thâm canh, siêu thâm canh, nên vùng nuôi phải có nguồn nước sạch, có đủ điện và đường giao thông để vận chuyển vật tư, hàng hóa; trong đó 2 yếu tố quan trọng nhất là nguồn nước và điện. Chúng ta đã xác định “nuôi tôm là nuôi nước” nên phải xem nguồn nước sạch là vấn đề quan trọng ở môi vùng nuôi, chí ít cũng phải có kênh cấp và thoát riêng cho từng khu vực nuôi.
Giải pháp thứ ba là giảm giá thành. Trong nuôi tôm, hai yếu tố chiếm tỷ lệ cao nhất trong giá thành tôm nuôi là thức ăn và con giống. Do đó, để giảm giá thành tôm nuôi phải có giải pháp giảm giá hai mặt hàng trên và điều này chỉ có thể thực hiện được phải có sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ và các bộ, ngành, đặc biệt là chính sách khuyến khích chương trình gia hóa tôm bố mẹ trong nước và quản lý chặt giá cả, chất lượng thức ăn ngay từ cơ sở sản xuất.
Tiếp đó là tìm vốn cho nuôi tôm. Hiện nay, đa phần người nuôi đang gặp khó về vốn mà nguyên nhân là nhiều năm nuôi thất bát khiến nợ ngân hàng không hoàn trả nổi, nên phần lớn đang sống nhờ sự đầu tư của thương lái. Thương lái có đội ngũ kỹ thuật giám sát người nuôi được đầu tư. Qua đó hạn chế rủi ro trong đầu tư. Nếu ngân hàng có thêm đội ngủ giám sát như vậy và phối hợp thêm với cơ sở chế biến thì rủi ro càng giảm. Ngoài ra, ngân hàng cũng cần coi lại quy định tỷ lệ giá trị hàng thế chấp vay để có thể tăng lên vài phần trăm cũng là thêm ít nhiều vốn cho người nuôi tôm.
Giải pháp thứ năm là hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Phải làm sao cập nhật kịp thời kiến thức nuôi luôn đầy sự mới mẻ, để làm tăng sự hiểu biết cần thiết cho người nuôi. Muốn vậy, Bộ NN&PTNT cần xây dựng chương trình khuyến ngư cấp quốc gia và giai đoạn thả tôm (từ tháng 3 – 9 hàng năm) đài phát thanh truyền hình các địa phương nên dành thời lượng cho mục khuyến ngư nhiều hơn để làm sao đạt cao nhất ý định nêu trên.
Giải pháp cuối cùng là đồng bộ hóa các cơ sở chế biến với chương trình tăng sản lượng tôm để tránh tình trạng trúng mùa, rớt giá do các nhà máy không đáp ứng kịp năng lực chế biến. Không nói đâu xa, ngay ở vụ nuôi năm 2018 này, chỉ cần sản lượng tôm nuôi cả nước tăng khoảng 20% sẽ có ngay cảnh ùn ứ tôm nguyên liệu tại các cơ sở chế biến và giá tôm nguyên liệu sẽ tiếp tục sụt giảm.