Hải quan Việt Nam cho hay, công tác chống buôn lậu thủy sản từ Trung Quốc vào Việt Nam còn quá nhiều gian nan và khó khăn. Trong đó, có phần xuất phát từ ý thức người dân.
Nâng cao ý thức cho người dân là điều cần thiết nhưng không hề đơn giản. Nhìn sang Trung Quốc, cũng có tình trạng tương tự nhưng cách giải quyết tình huống lại có phần khác. 70% thủy sản nhập khẩu tại Trung Quốc là hàng trốn thuế và rất nhiều trong số này là hàng nhập lậu qua Việt Nam. Người tiêu dùng Trung Quốc hiểu rất rõ điều này nhưng làm ngơ vì hàng nhập lậu giá rẻ hơn.
Nhiều nhà cung cấp thủy sản biết tình trạng buôn bán thủy sản trái phép tồn tại ở Trung Quốc khá lâu, nhưng họ không muốn can thiệp bởi nghĩ rằng vấn đề này nên để chính quyền giải quyết. Thủy sản nhập lậu có giá rẻ hơn 20%, 30% nhưng chất lượng không đảm bảo, nhất là khâu ATVSTP và kiểm dịch động vật. Tuy nhiên, thực tế là cả nhà nhập khẩu và người tiêu dùng đều không quan tâm xem thủy sản mà họ đang tiêu thụ hợp pháp hay không.
Việt Nam và Trung Quốc là một trong những nước nhập khẩu thủy sản hàng đầu tại thị trường Australia từ 7/1/2013 tới 30/6/2014. Nhưng giá trị nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc chỉ đạt 100 triệu USD, bằng 1/3 giá trị nhập khẩu của Việt Nam (320 triệu USD). Nhu cầu tiêu dùng thủy sản của Việt Nam đương nhiên phải nhỏ hơn. Phải chăng, một phần lớn của các lô hàng thủy sản tổng trị giá 320 triệu USD nói trên đã được “tuồn” vào Trung Quốc qua đường biên giới. Có hai cách để làm điều này, cách thứ nhất là vận chuyển thủy sản trực tiếp từ Australia qua Việt Nam bằng đường biển. Rồi tiếp tục vận chuyển sang Trung Quốc bằng đường biên để trốn thuế. Cách thứ hai là chuyển trực tiếp từng lô hàng thủy sản trên tàu cho ngư dân Trung Quốc để trốn thuế nhập khẩu và thuế VAT. Dù được dán nhãn xuất xứ Việt Nam nhưng đây không phải là sản phẩm thủy sản được đánh bắt trên các vùng biển Việt Nam.
Cảnh sát khu vực mậu dịch tự do (FTZ) Thượng Hải đang làm mạnh tay trong việc chống buôn lậu thủy sản. Vào ngày 3/9/2014, cảnh sát FTZ Thượng Hải đã tiếp đón Ken Baston, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Australia cùng nhiều nhà cung cấp thủy sản địa phương (chủ yếu là sản xuất bào ngư và tôm hùm) để giới thiệu cơ hội giao thương tại FTZ Thượng Hải. Bộ trưởng Baston cho rằng, FTZ Thượng Hải là mô hình chống buôn lậu hiệu quả, tạo cơ hội bình đẳng và hợp pháp cho các nhà cung cấp nước ngoài gia nhập thị trường thủy sản Trung Quốc. Nhiều nhà cung cấp cho biết, sẽ giảm được rất nhiều phí dịch vụ hậu cần nếu hàng hóa được vận chuyển đến kho lạnh của FTZ Thượng Hải để bảo quản sau thông quan. Cách làm này sẽ giúp hàng hóa nhập khẩu hợp pháp cắt giảm ít nhất 15% chi phí. Như vậy, Trung Quốc đã chống hàng lậu bằng cách giảm chi phí nhập khẩu. Bước tiếp theo mà nước này tính tới là sẽ hướng người dân tiêu dùng hàng hợp pháp, bởi không ai dám mạo hiểm tính mạng của mình để tiêu thụ những sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc cả.
Phóng viên Tạp chí SeafoodNews