Gần đây, xu hướng nuôi trồng thủy sản bền vững nở rộ và giải pháp đầu tiên mà các chuyên gia trong ngành này nghĩ tới là tìm nguồn thức ăn có nguồn gốc bền vững. Do đó, bột cá được thay thế bằng các nguồn thức ăn nguồn gốc thực vật.
Từng nghiên cứu nhiều về dinh dưỡng của các loài cá khác nhau gồm cá hồi, cá trout và cá rô phi, tôi khẳng định, bột cá không dễ dàng thay thế. Các thành viên của Tổ chức Dầu cá bột cá thế giới (IFFO) vẫn đang hỗ trợ thông tin diễn biến thị trường, cơ chế hoạt động, sắp xếp các phiên họp thường niên để đưa ra các điều chỉnh kịp thời về sản phẩm trên thị trường bột cá. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng thành viên của IFFO vẫn khẳng định bột cá luôn là nguồn dinh dưỡng tối ưu trong NTTS.
Sử dụng bột cá để nuôi thủy sản không có nghĩa sẽ khiến ngành thủy sản đó kém bền vững. Những mối quan ngại về sự kém bền vững mơ hồ này sẽ được giải quyết khi chúng ta sử dụng sản phẩm bột cá sản xuất có trách nhiệm và đạt tiêu chuẩn “nguồn cung bền vững”.
Vai trò của nguyên liệu thức ăn từ cá biển với ngành thủy sản bền vững bị làm lu mờ hoặc bóp méo bởi các chiến dịch bảo vệ nguồn lợi biển của các tổ chức bảo vệ môi trường biển. Nhưng cần phải lưu ý rằng, không phải nguồn nguyên liệu thức ăn từ cá biển nào cũng thiếu bền vững. Điều quan trọng là trại nuôi và hãng sản xuất thức ăn lựa chọn được nguồn cá biển được quản lý khai thác tốt; có chiến lược sử dụng bột cá để mang lại lợi ích kinh tế; đồng thời vẫn đảm bảo sự bền vững cho ngành NTTS. Nhu cầu tiêu thụ bột cá đang vượt nguồn cung nhưng từ thập kỷ trước. Bức tranh dầu cá còn phức tạp hơn, nhưng sự phát triển của ngành thủy sản hoàn toàn không bị hạn chế bởi nguồn cung dầu cá hay bột cá; mặc dù giảm sử dụng dầu cá, thì chất lượng thịt (fillet) một số loài như cá hồi sẽ đi xuống.
Nhận thức được những lo ngại đó, IFFO đã xây dựng Ủy ban hướng dẫn kỹ thuật với thành viên là các công ty trong ngành và các tổ chức môi trường biển NGOs. Hai năm qua, các nhóm nghiên cứu này đã xây dựng được Tiêu chuẩn toàn cầu IFFO dành riêng cho nguồn cung bột cá, dầu cá trách nhiệm (IFFO RS). Bộ tiêu chuẩn cũng đặt ra yêu cầu về sản xuất trách nhiệm với các nhà máy bột cá từ nguồn nguyên liệu tươi sống (cá nguyên con hay sản phẩm phụ) tới thực hành sản xuất tại nhà máy. Một nhà máy đạt tiêu chuẩn IFFO RS phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt và đáp ứng được các tiêu chuẩn từ bên kiểm định độc lập thứ 3. Đây cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp người nuôi thủy sản trên toàn thế giới yên tâm sử dụng bột cá, dầu cá mà không còn lo ngại vấn đề bền vững nguồn lợi và môi trường. Điều này còn quan trọng hơn khi người nuôi tìm đến các sản phẩm đạm thực vật hoặc phụ gia thay thế mà vẫn còn hoài nghi về tính hiệu quả của nó.