(TSVN) – Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2021, tổng số cơ sở nuôi tôm nước lợ trên cả nước đã cấp mã số là 6.600/479.824, đạt 1,38%.
Cả nước nuôi 747.357 ha, sản lượng thu hoạch 930.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 3,9 tỷ USD; so năm 2020 tăng diện tích 0,9%, sản lượng 4,3%, kim ngạch 5,4%. Những con số cho niềm vui vượt đại dịch nhưng ẩn chứa sự phát triển không bền vững, bởi mã số vùng nuôi là điều kiện căn bản để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Công tác cấp mã số vùng nuôi ở nhiều địa phương còn kém. Địa phương nuôi tôm diện tích lớn nhưng chưa cấp mã số được cơ sở nào là TP Hồ Chí Minh có 1.979 cơ sở với 5.846 ha; tỉnh Thái Bình có 2.500 cơ sở với 2.772 ha. Còn tỉnh Trà Vinh có 45.000 cơ sở với 34.027 ha nhưng mới cấp mã số được một cơ sở.
Tuy nhiên, vùng ĐBSCL có diện tích nuôi tôm chiếm 92,6% cả nước với sản lượng chiếm 86,3% nhưng công tác cấp mã số được quan tâm nên kết quả khá hơn. Hết năm 2021 đã có 71,5% cơ sở với 92,67% diện tích được cấp mã số. Trong tổng diện tích 692.548 ha, tôm sú 96.322 ha đã cấp mã số đạt 79,17%, TTCT 596.226 ha đã cấp mã số đạt 95,29%. Với tổng sản lượng 802.692 tấn, đã cấp mã số chiếm 84,22%; gồm tôm sú 252.781 tấn đã cấp mã số 95,39%, TTCT 549.911 tấn đã cấp mã số 83,96%.
Cấp mã số cơ sở nuôi cũng là bước hiện đại vùng nuôi để tăng giá trị con tôm, hạ giá thành sản xuất. Thực trạng phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo: Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm vẫn chủ yếu dùng chung với trồng trọt, không phù hợp yêu cầu kỹ thuật, dễ xảy ra dịch bệnh.
Trong nỗ lực hiện đại hóa vùng nuôi, điển hình hiện nay có Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Minh Phú đang đầu tư đường ống lấy nước biển xa bờ nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh Kiên Giang. Dự án triển khai thực hiện từ nay đến năm 2025, gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 làm 2 tuyến ống: tuyến số V lấy nước biển xa bờ 1.500 m với ống đường kính 1,6 m, cùng trạm bơm và ống đẩy dài 6,8 – 9 km, đường kính 1,4 m, cấp nước cho 600 – 900 ha ở xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương; Tuyến ống kênh Cây Me cũng lấy nước biển xa bờ, trạm bơm và nạo vét kênh Cây Me cung cấp cho 3.100 ha tại xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương. Giai đoạn 2, thêm đường ống lấy nước biển xa bờ, trạm bơm, kênh dẫn nước để phục vụ thêm 5.838 ha tại xã Thuận Yên, TP Hà Tiên. Cả hai hệ thống cấp nước biển cho vùng nuôi 9.838 ha; tổng vốn đầu tư dự kiến 2.819 tỷ đồng, giai đoạn 1 là 1.019 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 1.800 tỷ đồng.
Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú Lê Văn Quang bày tỏ, hệ thống còn tích hợp quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng nội vùng và liên vùng. Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang Nguyễn Văn Dũng đánh giá, hệ thống rất cần thiết để phát triển chiến lược nuôi tôm công nghệ cao.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đến kiểm tra, đánh giá hệ thống lấy nước biển xa bờ là bước đột phá cho phát triển nghề nuôi tôm công nghệ cao ở Kiên Giang, hy vọng không ngừng mở rộng.