T6, 27/11/2020 04:25

Hợp tác quốc tế đối phó IUU

(TSVN) – Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) là một trong những mối lo ngại hàng đầu của cả thế giới.

Nhưng vấn nạn này đặc biệt nhức nhối tại châu Á – Thái Bình Dương từ tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á đến các đảo Thái Bình Dương. Những vùng rộng lớn này cũng là những ngư trường dồi dào nguồn lợi biển nhất thế giới – nơi thường xuyên xảy ra nạn khai thác IUU với quy mô và số lượng lớn nhất, đặc biệt từ những đội tàu Trung Quốc.

Những hành động của Trung Quốc từ hoạt động trái phép trên biển đến hàng hải, từ phá hủy môi trường hàng hải tại biển Nam Trung Quốc đến gây cản trở ở thượng nguồn sông Mekong… đã và đang đe dọa đến sinh kế, chủ quyền và an ninh của nhiều quốc gia khác trong vùng. Những hành động mang tính chất “hình mẫu” của chính quyền Trung Quốc đã nói lên bản chất hung hăng, coi thường pháp luật và phá hủy môi trường của họ.

Khai thác thủy sản là sinh kế của hàng triệu người khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, từ các vùng ven biển Đông Nam Á đến các quốc đảo Thái Bình Dương và phía trên. Họ cung cấp thức ăn từ tôm, cá cho hàng tỷ người trên hành tinh. Những nguồn lợi tự nhiên đó thuộc sở hữu của các quốc gia này; đồng thời là huyết mạch của các cộng đồng ven biển và sinh kế của người dân. Hành động phá hủy hay đánh cắp những nguồn lợi này chính là sự tấn công trắng trợn lên cộng đồng cư dân của những quốc gia này cả hiện tại và tương lai. Khai thác IUU đã cướp đi những đồng tiền chính đáng từ túi của những ngư dân lao động hợp pháp và gây ra những vụ lạm dụng lao động, buôn người và cùng nhiều tội ác khác.

Rất khó thống kê những thất thoát kinh tế do khai thác IUU gây ra trên toàn cầu, nhưng ước tính có thể lên đến hàng tỷ USD hàng năm. Trung Quốc là quốc gia có đội tàu khai thác xa bờ hùng hậu nhất thế giới và đội tàu này thường được Chính phủ hỗ trợ. Các tàu gắn cờ Trung Quốc ngang nhiên đánh bắt cá trái phép tại những vùng đặc khu kinh tế của các nước ven biển trên toàn cầu, từ Tây và Trung Thái Bình Dương đến bờ biển của châu Phi và Nam Mỹ. Điều này gồm khai thác không phép và vượt thỏa thuận cho phép.

Ở một số vùng, như Bắc Thái Bình Dương, những đội tàu vô chính phủ thực chất đều là của Trung Quốc. Các báo cáo cho thấy hơn 3.000 tàu Trung Quốc chủ động gây hấn trên vùng biển khơi thuộc chủ quyền của quốc gia khác. Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định họ là một quốc gia khai thác cá có trách nhiệm cùng “chính sách không khoan nhượng” đối với các hoạt động khai thác IUU. Đáng tiếc dữ liệu lại cho thấy thực trạng khác. Ở biển Nam Trung Quốc, quốc gia này phải chịu trách nhiệm trước hành động phá hủy hàng loạt môi trường biển quanh các đảo nhân tạo và quân sự hóa. Một nhà sinh học tại Đại học Miami, Mỹ đã gọi đây là sự biến mất vĩnh viễn của rạn san hô với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử nhân loại”.

Tổ chức sáng kiến toàn cầu về chống tội phạm xuyên quốc gia đã xếp Trung Quốc vào nhóm quốc gia vi phạm IUU ở mức độ nghiêm trọng nhất thế giới. Theo tổ chức phi lợi nhuận Pew Charitable Trusts, các cảng biển Trung Quốc là nơi tiếp nhận và xử lý nhiều cá khai thác IUU nhất thế giới.

Trước vấn nạn IUU, các chính sách nước ngoài và an ninh quốc gia ưu tiên hàng đầu của Mỹ là chống khai thác IUU. Bộ Ngoại giao Mỹ, cùng Cảnh sát biển Mỹ, Bộ quốc phòng và Cơ quan đại dương và hàng hải quốc gia (NOOA) đang tích cực hành động để giảm thiểu hoạt động IUU; thậm chí tham gia củng cố luật pháp quốc tế và xây dựng các phương thức thực hành quản lý nguồn lợi bền vững. Một trong những nỗ lực phải kể đến như tăng số lượng Biên bản ghi nhớ giữa Cảnh sát biển Mỹ với các quốc gia quanh vùng. Những thỏa thuận này cho phép các quốc gia đối tác thực thi luật trong nước qua sự trợ giúp và nhân lực của Cảnh sát biển Mỹ. Điều này đặc biệt hữu ích tại những quốc gia có năng lực thực thi pháp luật bị hạn chế và đặc khu kinh tế rộng lớn, như các đảo Thái Bình Dương.

Những đội tàu của Mỹ khai thác tại vùng biển nước ngoài phải thông qua đàm phán với đối tác trong vùng biển đó và tuân thủ nghiêm ngặt hạn ngạch khai thác bền vững và luật quốc tế. Mỹ cũng hợp tác với các quốc gia trên toàn thế giới để nâng năng lực chống khai thác IUU từ nguồn lực trong và ngoài nước. Mỹ cung cấp năng lực xây dựng, đào tạo, và trợ giúp kỹ thuật trực tiếp cho các quốc gia đối tác nhằm củng cố chính sách quốc gia và khung luật, năng lực điều hành để thực hiện các giám sát, theo dõi nhằm chống lại khai thác IUU. Ví dụ, Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp hệ thống giám sát tàu cá thời gian thực miễn phí cho nhiều quốc gia qua giao diện hàng hải SeaVision.

Mỹ cũng yêu cầu Bắc Kinh phải tăng cường kiểm soát tàu cá có trách nhiệm và đảm bảo tuân thủ luật pháp quốc tế. Các nước có chủ quyền phải được phép hưởng lợi từ chính nguồn lợi kinh tế thuộc sở hữu của họ. Hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo của Trung Quốc và khai thác IUU không chỉ đe dọa sự bền vững, an ninh lương thực, sự phát triển kinh tế của các quốc gia khác, mà còn làm đảo lộn trật tự quốc tế chung. Bắc Kinh là nơi được ghi nhận lượng khí thải nhà kính lớn nhất thế giới, rác thải nhựa lớn nhất và là nơi tiêu dùng động vật hoang dã và gỗ quý nhiều nhất thế giới, cũng như IUU. Dọn sạch những vấn nạn này từ Trung Quốc là mong muốn của cả nhân loại và tất cả các quốc gia trên toàn thế giới.

Phó Trợ lý ngoại trưởng Mỹ

David Feith

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!