T5, 23/07/2020 05:35

Hợp tác thay vì kiện phá giá!

Buôn bán với Mỹ, không chóng thì chầy cũng bị gán cho tội bán phá giá, và tội này sẽ được Mỹ phân xử theo luật lệ riêng của Mỹ, theo chính sách và truyền thống của Mỹ và Mỹ vẫn được coi là vô địch trong việc dùng các biện pháp chống bán phá giá.

Nói về vụ kiện bán phá giá gần đây nhất của Mỹ với Việt Nam có thể thấy ngay Mỹ đã áp mức thuế quá cao và cách tính toán hết sức phi lý gây nhiều tranh cãi cũng như sự bất công cho tôm Việt Nam. Chính sách chống bán phá giá của Mỹ bị nhiều nước phản đối đồng thời đây cũng là vấn đề gây tranh cãi, bất đồng trong nội bộ nước Mỹ bởi nhiều lý do kinh tế, chính trị, lịch sử và tâm lý xã hội.

Nếu so sánh giá tôm Việt Nam với giá tôm Mỹ – bán sỉ tại New York thì sẽ thấy có nhiều điểm tương đồng, tôm Việt Nam chưa thể rẻ bằng tôm Thái Lan hay tôm Trung Quốc. Thực tế, tôm Mỹ hay tôm Việt Nam đều khó cạnh tranh với hai siêu cường bán tôm rẻ là Thái Lan và Trung Quốc. Trong khi đó, ngư dân khai thác tôm Mỹ và nông dân nuôi tôm ở Việt Nam đều phải đối mặt với khó khăn giống nhau đó là chi phí sản xuất cao hơn hẳn những nước sản xuất tôm rẻ nhất trên thế giới, nông dân và ngư dân vẫn còn thiếu vốn, kỹ thuật sản xuất, mô hình kinh tế hộ gia đình… Nhưng đáng tiếc, Việt Nam và Mỹ chưa tìm được tiếng  nói chung mặc dù hai ngành kinh tế trong lĩnh vực sản xuất tôm có nhiều nét giống nhau. Cả hai bên chưa có chính sách thích hợp giúp đỡ người nuôi, khai thác tôm khi đặc điểm chính của nhà sản xuất tôm ở hai quốc gia là nông dân làm kinh tế hộ gia đình, chứ không phải là các công ty lớn, trang trại lớn.

Dễ thấy, Mỹ là nước sử dụng luật phá giá như một công cụ bảo hộ thị trường cực kỳ hiệu quả. Mỹ không có chương trình bao cấp cho ngành tôm giống như bắp và đậu nành, chính phủ không đồng ý hạn chế nhập khẩu tôm. Do đó, luật phá giá ăn sâu vào suy nghĩ của ngư dân nuôi tôm trên đất nước Mỹ, họ cũng coi đó là công cụ hữu hiệu và duy nhất để bảo vệ ngành công nghiệp khai thác và chế biến tôm nội địa. Hàng nhập khẩu giá rẻ đổ bộ vào nước Mỹ, nhất là tôm, đã biến tôm nhập khẩu trở thành một trở ngại lớn với tôm nội địa. Ngư dân – những người luôn tin rằng, không có vũ khí nào bảo vệ họ tốt hơn là luật bán phá giá của chính phủ, đã tích cực ủng hộ việc áp dụng luật này. Kết quả là những ai được hưởng lợi? Hiển nhiên đó không phải là những ngư dân bắt tôm hay ngành tôm nội địa Mỹ, người được hưởng lợi là giới luật sư, nhà chế biến tôm trên nước Mỹ.

Thực tế Việt Nam không phá giá tôm Mỹ, Mỹ không phá giá tôm Việt Nam mà nông dân nuôi tôm Việt Nam và ngư dân khai thác tôm ở Mỹ đang bị “phá giá” vì chịu rủi ro sản xuất, giá bán không theo kịp chi phí, trong khi công ty chế biến, xuất khẩu, siêu thị, chuỗi nhà hàng, công ty tài chính, xăng dầu… thường có lợi, đó là một điều bất công. Theo tôi, rất cần một sự thỏa thuận hợp tác giữa cơ quan quản lý Việt Nam và Mỹ trong ngành tôm, lập kế hoạch xuất nhập khẩu tôm hàng năm, giá bán thích hợp là gì, tiến tới ổn định hóa thị trường… điều này tốt hơn là kiện phá giá.

Phó giáo sư Địa lý học, Đại học Louisiana

Brian Marks

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!