T6, 17/06/2022 04:57

Kết nối siêu thị toàn cầu

(TSVN) – Trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Mỹ từ ngày 11 – 17/5/2022, vào chiều 13/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan có cuộc làm việc với ông Paul Dyck, Phó Chủ tịch Tập đoàn Walmart. Buổi làm việc nhằm kết nối sản phẩm nông nghiệp Việt Nam với chuỗi đại siêu thị toàn cầu này.

Ông Paul Dick bày tỏ: “Walmart có kế hoạch mua tất cả các loại nông, lâm, thủy sản của Việt Nam để phục vụ người tiêu dùng nếu đảm bảo được các yêu cầu về chất lượng”. Ông giới thiệu, Walmart phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cung ứng của đối tác với khoảng 1/3 hàng hóa nhập khẩu từ các nhà cung ứng nước ngoài. Hàng hóa vào hệ thống Walmart yêu cầu tuân thủ các quy định về ATTP, chất lượng và bền vững. Vì vậy, cơ hội không giới hạn nếu các nhà cung ứng nông, lâm, thủy sản Việt Nam áp dụng tốt các tiêu chuẩn hàng hóa vào Walmart sẽ lan tỏa toàn cầu; bởi đây là tập đoàn bán lẻ đa quốc gia có khoảng 10.500 đại siêu thị ở 24 nước và trên các trang website thương mại điện tử. Walmart Quốc tế có hơn 5.100 đơn vị bán lẻ, 550.000 công ty liên kết trên khắp thế giới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan giới thiệu Việt Nam đang chú trọng xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở chăn nuôi, NTTS; đề nghị Walmart phối hợp tổ chức Diễn đàn cung cấp thông tin cho các nhà cung ứng nông, lâm, thủy sản Việt Nam những yêu cầu của Walmart. Từ đó đưa hàng hóa Việt Nam vào Walmart toàn cầu một cách bài bản. Ông Paul Dyck vui vẻ nhận lời và thông báo sẵn sàng cử ngay chuyên gia của Walmart tham gia các Diễn đàn.

Chia sẻ kinh nghiệm khai thác tiềm năng thị trường Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Đình Tùng nói: “Kiểm soát chất lượng chặt chẽ ngay từ đầu”. Thị trường Mỹ nhập trái cây Việt Nam, từ trái thanh long đầu tiên vào năm 2008, đến nay đã có 8 mặt hàng trái cây với kim ngạch ngày càng tăng. Hiện trái bưởi sắp được cấp phép. Gạo thơm Việt Nam cũng đã có chỗ đứng trên thị trường Mỹ.

Để vào thị trường Mỹ, ông Tùng nói: “Các vùng trồng phải được cấp mã số, các nhà máy đóng gói phải được phía Mỹ cấp phép và khi chiếu xạ có nhân viên chuyên môn của Mỹ kiểm tra từng lô hàng. Doanh nghiệp đi sau cần liên kết với doanh nghiệp đi trước, đầu tư bài bản, lâu dài. Dù sản phẩm đã lên kệ ở Mỹ, nếu kiểm tra đột xuất mà không đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng thì doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị liệt vào danh sách đen, tất cả hàng hóa đang trên đường xuất khẩu sẽ phải quay đầu”.

Có thể thấy, để có hàng hóa nông, lâm, thủy sản vào Mỹ, trước tiên nuôi và trồng phải quy mô lớn, tiêu chuẩn đồng nhất. Sản xuất lớn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí trong kiểm soát chất lượng.

Trong bối cảnh chung, ngày 19/5/2022, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị góp ý Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL rộng 3.300 ha tại Cần Thơ là rất đáng chú ý. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương Trần Quốc Toản bày tỏ kỳ vọng xây dựng trung tâm đảm bảo được chất lượng, ATTP, có truy xuất nguồn gốc với mã số vùng nuôi, bao bì, nhãn mác cho nông, lâm, thủy sản Việt Nam.

Nhà báo Sáu Nghệ

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!