T5, 23/07/2020 05:35

Kiểm soát ký sinh trùng, nâng cao chất lượng thủy sản

Nuôi trồng thủy sản Việt Nam rất ấn tượng nhờ đẩy mạnh việc phát triển hệ thống sản xuất kết hợp giữa ba bộ phận trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản (VAC) cho các hộ gia đình. Điều này góp phần đáng kể cải thiện dinh dưỡng cho người dân.

Hệ thống VAC đã được đẩy mạnh tại Việt Nam và nên được các khu vực khác trên thế giới học tập, nhất là ở những nơi khan hiếm protein, tất nhiên phải phù hợp điều kiện địa phương. Ưu điểm của hệ thống VAC chính là việc kết hợp triệt để sử dụng dinh dưỡng vật chất đầu vào và đầu ra của từng phân hệ, theo chu trình khép kín để tạo nên đầu ra lớn hơn trên toàn hệ thống mà không ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Ví dụ những chất thải khác nhau (như: phân lợn, các bộ phận cây trồng…) được sử dụng để bón cho ao nhằm thúc đẩy sự phát triển của tảo và nhờ đó làm cho cá tăng trưởng và bùn trong ao (có chứa nhiều chất dinh dưỡng) lại được dùng để bón cho vườn tược hoặc cánh đồng…

Tuy nhiên, mô hình VAC cũng có một vài nhược điểm như gia tăng mức độ của lây nhiễm ký sinh trùng cho cá bởi thức ăn có sán động vật. Giả sử chó, mèo hoặc lợn ăn phần cá thừa chưa được nấu chín thì ấu trùng sán lá từ mô cá có thể lây nhiễm các chủ thể này (thậm chí cả con người nếu ăn cá chưa được nấu chín cũng sẽ có nguy cơ lây nhiễm). Một vấn đề khác mà tôi thấy, đó là các hộ gia đình thường nuôi khá nhiều lợn và kết quả là có quá nhiều phân lợn được bón vào ao nuôi cá. Mặc dù một phần của số phân này có thể được dùng để sản xuất khí sinh học, nhưng cũng cần có phương pháp xử lý phần còn thừa. Do đó, việc kiểm soát ký sinh trùng trong thủy sản là vấn đề quan tâm lớn đối với an toàn thực phẩm trong việc mở rộng ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam, cho cả người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tôi nghĩ rằng sản xuất cá hoàn toàn không có sự lây nhiễm về ký sinh trùng có thể thực hiện được. Để làm được điều này, trước hết phải cải thiện ao nuôi, điều này có thể giảm nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng vẫn không đủ để tránh hoàn toàn sự nhiễm bệnh. Theo đó còn cần phải kiểm soát các vật chủ trung gian truyền bệnh ấu trùng sán, như các loài ốc… Việc ngăn chặn sự ô nhiễm của các ao bởi phân và kiểm soát ốc có thể làm giảm sự xuất hiện của ký sinh trùng.

Henry Madsen - Nhà nghiên cứu cao cấp về sinh học nước ngọt, Đại học Copenhagen, Đan Mạch

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!