(TSVN) – Những tháng đầu năm nay, ngành tôm tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2021. Tổng cục Thủy sản tại hội nghị bàn về phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam tổ chức ở tỉnh Bạc Liêu ngày 15/7 cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng tôm nuôi tăng trên 10% và kim ngạch xuất khẩu tăng trên 40% so cùng kỳ năm 2021.
Dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2022 sẽ cao hơn năm 2021, ít nhất vượt 10% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tôm đã đạt 3,9 tỷ USD, tăng 5,4% so năm 2020.
Hiện nay, ngành tôm nước ta đang có thách thức lớn về giá thành sản xuất, cao hơn nhiều nước khác. Do thức ăn nuôi tôm chiếm tỷ lệ cao trong giá thành (trên 65% giá thành tôm nuôi công nghiệp); chi phí giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; nhiều vùng nuôi thiếu điện, giá cước vận chuyển vật tư, nguyên liệu cao.
Trong lúc, theo điều tra của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA), sản lượng tôm của thế giới năm 2022 dự đoán tiếp tục tăng. Điều này sẽ gây ra những thách thức, tác động rất lớn đối với ngành tôm Việt Nam: Cạnh tranh tại thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam gay gắt hơn, giá tôm nguyên liệu thế giới có xu hướng giảm sẽ gây áp lực lớn cho ngành tôm Việt Nam. Nhiều quốc gia thay đổi về quy định kiểm dịch với tôm nhập khẩu, đặc biệt chú trọng ATTP sẽ là rào cản không nhỏ.
Xu hướng thị trường cũng thay đổi nhiều. Theo các chuyên gia, ở thị trường Mỹ giá tôm Việt Nam có thể giảm vì tôm giá rẻ từ Ấn Độ và Ecuador thâm nhập mạnh; thêm tôm không thuế chống bán phá giá từ Indonesia. Nhật Bản có thể trở thành thị trường mục tiêu, phù hợp với bối cảnh tình hình tôm Việt Nam, tuy nhiên đòi hỏi hàng tinh chế với mẫu mã đa dạng, tỉ mỉ, cầu kỳ, đẹp mắt.
Để ngành tôm phát triển ổn định, Tổng cục Thủy sản cho rằng phải tăng cường liên kết, hợp tác. Tổ chức sản xuất theo hướng liên kết dọc gữa các nhà và liên kết ngang giữa các cơ sở sản xuất để an toàn, hạ giá thành. Xây dựng chuỗi hợp tác mới giữa nhà cung ứng, ngân hàng, đại lý và người nuôi. Triển khai cấp mã số cơ sở nuôi tôm phục vụ truy xuất nguồn gốc.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh đến sự liên kết để ngành tôm đạt được các mục tiêu trong 6 tháng cuối năm 2022. Tổ chức liên kết giữa các địa phương nuôi tôm, nhằm triển khai có hiệu quả một số đề án, chương trình đã phê duyệt. Hợp tác ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chú trọng liên kết trong công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời khuyến cáo, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi. Liên kết chặt chẽ giữa các địa phương để quản lý chất lượng tôm giống, giải quyết các vấn đề liên quan giữa địa phương sản xuất tôm giống và địa phương nuôi tôm thương phẩm.
Thứ trưởng Tiến còn nêu vấn đề liên kết để phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm. Liên kết trong tổ chức thông tin, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi tôm hiệu quả cao.