Sau Hiệp định TPP, liệu cánh cửa vào thị trường tôm Mỹ có thực sự rộng mở? Nhiều chuyên gia lo ngại TPP sẽ đưa tôm bẩn quay lại thị trường Mỹ. Do đó, để bảo vệ người tiêu dùng và thị trường nội địa, không còn cách nào khác là phải dựng nhiều rào cản.
Cuộc chiến chống lại hàng nhập khẩu giá rẻ, chất lượng kém vẫn chưa hết nóng ở Mỹ, tôm nhập khẩu vẫn là tâm điểm cuộc tranh cãi. Đặc biệt gần đây Cục Lương thực và Dược phẩm Mỹ (FDA) nhiều lần trả lại các lô tôm nhập khẩu của Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc… vì nhiễm kháng sinh cấm. Theo FDA, các lô hàng tôm nhập khẩu nhiễm kháng sinh tăng cao hơn năm ngoái. Đây là điều đáng lo ngại khi tôm đang dần trở thành món ăn quen thuộc của người dân Mỹ, và ngành công nghiệp thực phẩm của nước này cũng đang phụ thuộc vào mặt hàng tôm nhập khẩu, chủ yếu từ Đông Nam Á.
Các chuyên gia giám sát an toàn thực phẩm liên bang gần như đuối sức vì không kiểm soát hết chất lượng tôm nhập khẩu ồ ạt tràn vào Mỹ. Năm ngoái FDA phát hiện hơn 100 lô hàng tôm Việt Nam, Malaysia, Thái Lan không đạt chất lượng, buộc phải trả lại. Nhiều cuộc tranh cãi kịch liệt xảy ra, trong đó không ít ý kiến phản đối TPP, và cho rằng nó góp phần làm tôm châu Á kém chất lượng trở nên mạnh hơn ở thị trường Mỹ và vô hiệu hóa các rào cản thương mại khác.
Người tiêu dùng Mỹ đã quá rõ những hiểm họa khi ăn phải tôm nhiễm kháng sinh. Dù FDA công bố chỉ có 6% thực phẩm không đạt chất lượng liên quan tới thủy sản, gồm cả thủy sản nguyên liệu có vỏ, nhưng những chuyên gia thực phẩm đang tiếp tục gióng chuông cảnh báo người tiêu dùng tôm nhập khẩu. Nhiều tổ chức giám sát chất lượng tại các bang tỏ ra không tin tưởng FDA, và tự tiến hành phân tích mẫu tại phòng kiểm nghiệm riêng, kết quả 5% của 200 mẫu tôm nhiễm kháng sinh cấm. Đây là con số khiến những người tiêu dùng và nhiều cơ quan trong ngành phải giật mình. TPP vẫn đứng trước nhiều rào cản, vấn đề kiểm soát chặt tôm nhập khẩu cũng được coi là một rào cản lớn. Trước tình hình đó, tôm Indonesia đang thắt chặt khâu kiểm soát chất lượng, tích cực tuyên truyền, tư vấn cho nông dân giảm thiểu kháng sinh, đồng thời tăng cường đầu tư khoa học kỹ thuật để phòng dịch bệnh. Nước này vẫn tham vọng chiếm lĩnh thị trường tôm Mỹ. Tôm Việt Nam có thể coi TPP là cánh cửa mở rộng thị trường lớn… nhưng cũng là sân chơi công bằng với tất cả quốc gia. Với lợi thế sở hữu khoa học công nghệ tiên tiến, tôm Việt Nam sẽ gặp phải nhiều đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia đang dốc sức chạy đua cải tiến chất lượng, nâng cấp hình ảnh. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không tăng cường công nghệ sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chắc chắn sẽ khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thậm chí có thể bị “đo ván” ngay trên sân nhà.
Nhà báo ABC news