(TSVN) – Thoạt nhìn, có thể thấy mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đang trở thành xu hướng toàn cầu, thu hút nhiều trang trại đi theo. Nhưng nhìn rộng hơn, đây chưa chắc đã là chiến lược dài hạn để phát triển ngành tôm nuôi bền vững.
15 năm trước, Trung Quốc và Thái Lan thống lĩnh ngành tôm nuôi toàn cầu. Tuy nhiên, ngôi vị đó sụp đổ khi đại dịch EMS xuất hiện vào năm 2010. Năm 2013, tôm Ấn Độ “soán ngôi vương” và kéo dài thời kỳ chiếm lĩnh ngành tôm suốt 5 năm. Có thời điểm, tôm Ấn Độ chiếm 60% thị phần tại Mỹ. Sau đó, khoảng 1 đến 2 năm trước, ngành tôm Ấn Độ phải vật lộn với chi phí tăng và giá bán thấp. Lúc này, Ecuador trỗi dậy và trở thành nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Hiện, Ecuador đã vượt xa các đối thủ châu Á và đánh bật họ ra khỏi thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Ecuador đang đáp ứng 60% nguồn cung tôm cho thị trường Trung Quốc.
Thoạt nhìn, có thể thấy mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đang trở thành xu hướng toàn cầu, thu hút nhiều trang trại đi theo. Nhưng nhìn rộng hơn, đây chưa chắc đã là chiến lược dài hạn để phát triển ngành tôm nuôi bền vững. Nuôi tôm thâm canh cần sử dụng nhiều đất đai, vốn được xem là tài sản quan trọng nhất. Nếu muốn tối đa hóa sử dụng tài sản đó, thì phương án tăng mật độ nuôi được tính đến trước tiên. Tuy nhiên, nuôi tôm thâm canh kéo theo các yếu tố rủi ro sinh học và môi trường nếu người nuôi vượt qua các ranh giới mà công nghệ và luật pháp cho phép. Nói rõ hơn, mô hình nuôi tôm thâm canh mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn nhưng hậu quả dài hạn lại khôn lường.
Thực tế, nhiều nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới đang giảm dần mật độ nuôi tôm, ít nhất theo mức trung bình của cả nước. Mật độ thả nuôi tôm trung bình của Trung Quốc và Thái Lan lần lượt 120 PLs/m2; Ấn Độ 75 PLs/m2 và Ecuador là 25 PLs/m2. Điều thú vị, nước có mật độ nuôi tôm thấp nhất, lại là quốc gia sản xuất tôm thành công nhất thế giới. Lý do dễ hiểu, mật độ cao khiến nhiều trại nuôi tôm thường xuyên đối mặt rủi ro bùng phát dịch bệnh và tỷ lệ chết tăng cao.
Trung Quốc và Thái Lan bị Ấn Độ thay thế khi dịch EMS càn quét. Nhưng cuối cùng, Ấn Độ bị Ecuador lật đổ vì tỷ lệ vụ nuôi thất bại của Ấn Độ lên tới 40% do thách thức an toàn sinh học. Điều đó cho thấy, mô hình nuôi tôm của Ấn Độ, cụ thể là thâm canh đã không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
Tuy nhiên còn nhiều nhà sản xuất vẫn chưa rút ra bài học cho chính mình. Những nước từng đứng đầu ngành tôm toàn cầu vẫn đang phải chật vật duy trì, mặc dù một phần nguyên nhân do tác động thị trường. Nuôi tôm là một ngành công nghiệp đầy cạnh tranh, mà phần thắng dành cho những ai có lợi thế về chi phí sản xuất. Đặc biệt, dịch bệnh bùng phát có thể phá hủy toàn bộ vụ nuôi, thậm chí trở thành đòn giáng mạnh khiến toàn ngành tôm khó phục hồi. Lúc này, muốn quay lại thời hoàng kim, nhà sản xuất tôm phải hoàn toàn đổi mới bằng sản phẩm tốt hơn với chi phí thấp hơn.
Không có con đường duy nhất dẫn đến thành công trong nuôi tôm và các nhà sản xuất phải tìm hoặc phát triển một mô hình phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Do đó, áp dụng công thức nuôi tôm đã từng mang lại thành công cho Ecuador, chưa chắc đã hiệu quả đối với Ấn Độ, Thái Lan hay Việt Nam. Tuy nhiên, dù mô hình nào thì người nuôi tôm phải biết nắm bắt công nghệ mới và kiểm soát được môi trường nuôi.
Rob Fletcher
Tổng Biên tập The Fish Site