T2, 26/08/2024 09:53

Mòn mỏi chờ giá tôm tăng

(TSVN) – Các nhà đầu tư toàn cầu, nhất là ở thị trường Mỹ đã quá ngán ngẩm khi chính phủ tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao trong cuộc chiến chống lạm phát. Viễn cảnh Cục dự trữ liên bang cắt giảm lãi suất dường như quá xa vời.

Tương tự, ngành tôm cũng trong thảm cảnh “giá thấp chưa hồi kết”. Tôm là mặt hàng được giao dịch toàn cầu, và giá cả chủ yếu quyết định bởi cung, cầu cùng thuế quan của chính phủ và những biến động trong chuỗi cung ứng.

Tại thị trường Mỹ, giá bán buôn tôm đã đã giảm xuống dưới mức trước COVID-19 và neo ở mức thấp nhất trong 20 năm qua. Suốt thời kỳ phong tỏa vào năm 2020, các nhà hàng buộc phải đóng cửa khiến giá tôm sụt giảm mạnh. Nhưng khi mở cửa trở lại vào năm 2021, giá mặt hàng này tăng vọt. Đồng thời, lượng tôm dự trữ của Mỹ cũng cạn kiệt do vận tải bị hạn chế bởi COVID-19 trước đó. Khi nguồn cung tôm hồi phục và bình thường hóa vào năm 2022, giá tôm bắt đầu giảm cho đến ngày nay.

Lạm phát đã tác động đến xu hướng tiêu dùng tại Mỹ. Nhưng khi so sánh với các loại protein khác như thịt bò, heo, gia cầm, giá tôm vẫn rẻ hơn so với năm 2020. Nhu cầu tôm thường vận hành theo giá bán, nhưng khi giá tôm giảm gần chạm đáy, lượng tiêu thụ tôm lại không tăng. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là giá bán buôn giảm nhưng giá bán lẻ lại tăng.

Những thị trường tiêu thụ tôm chủ yếu gồm Trung Quốc, Mỹ, Anh, châu Âu. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu kỷ lục 897.601 tấn vào năm 2023, tăng 12,4% khối lượng nhưng giảm 4,2% giá trị, dẫn đến áp lực giảm giá gia tăng. Ecuador chiếm 72% thị phần tôm tại Trung Quốc, theo sau là Ấn Độ 13%. Tính đến đầu tháng 4/2024, nhập khẩu tôm của Trung Quốc đạt 290.031 tấn, giảm 5% so cùng kỳ năm trước, trong đó 75% đến từ Ecuador với mức giá thấp hơn. Liệu nhu cầu tiêu thụ tôm của Trung Quốc có tiếp tục tăng hay không? Điều này khó xảy ra do ngành động sản tiếp tục suy yếu đang tác động tiêu cực đến chỉ số niềm tin tiêu dùng.

Nguồn cung tôm cũng là yếu tố gây bất ổn thị trường, đặc biệt khi Ecuador tăng gấp đôi sản lượng trong 5 năm qua. Sản lượng TTCT toàn cầu đạt 5,15 triệu tấn vào năm 2023, trong đó, Ecuador dẫn đầu với 1,45 triệu tấn. Ngành tôm dự kiến tăng trưởng một con số do nhu cầu tiêu thụ chậm và giá bán thấp hơn vào năm 2024. Thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng của Mỹ đang ảnh hưởng đến doanh số bán hàng, kéo theo những bất ổn trong sản xuất. Ấn Độ ước tính sản xuất 850.000 tấn tôm và ngay từ vụ đầu tiên trong năm 2024, diện tích nuôi tôm giảm 20%. Tỷ lệ vụ nuôi thất bại vẫn còn do nông dân sống chung với dịch bệnh WSSV và EHP.

Bộ Thương mại Mỹ đã công bố mức thuế chống bán phá giá và đối kháng sơ bộ. Ngoài các doanh nghiệp cụ thể, mức thuế chung là 13,47% với Ecuador, 3,36% với Ấn Độ; 6,3% với Indonesia và Việt Nam 2,84%. Những mức thuế này sẽ thay đổi toàn bộ bức tranh thương mại ngành tôm, khiến Ecuador tập trung vào thị trường FTA như Trung Quốc thay vì Mỹ. Lưu lượng giao thông qua kênh đào Suez đã giảm 80% khiến tàu bè phải chuyển hướng khác tốn kém thời gian và chi phí hơn. Chuỗi cung ứng tôm cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến nghịch lý, giá thị trường cao nhưng giá cổng trại thấp.

Tốc độ tăng trưởng ngành tôm Ecuador chững lại nhưng nguồn cung vẫn không giảm. Do đó, giá tôm tiếp tục duy trì ở mức thấp. Chưa thể khẳng định đâu mới là chiến lược lúc này – cân bằng cung cầu hay chấp nhận mức giá thấp như một hiện tượng “bình thường mới”; chỉ biết rằng, năng suất và hiệu quả sẽ là chìa khóa thành công.

TBT Tạp chí NTTS châu Á – Thái Bình Dương

Zuridah Merican

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!