THỨ HAI, ngày 20/1/2025

T3, 19/09/2023 10:06

Một chi cục trưởng thú y bị bắt

(TSVN) – Ngày 8/9/2023, thông tin khởi tố, bắt tạm giam Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng VI và nhiều người trong vụ án “buôn lậu”, “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ” gây rúng động ngành thủy sản. Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh, sai phạm xảy ra tại Chi cục Thú y vùng VI, Trạm Kiểm dịch động vật Cảng – Bưu Điện (thuộc Chi cục Thú y vùng VI), Công ty TNHH XNK Dinh dưỡng Hoàng Sa (trụ sở tại quận 1, TP Hồ Chí Minh). 

Về hành vi “nhận hối lộ”, Công an khởi tố bị can Bạch Đức Lữu (Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng VI), Lý Hoài Vũ (Phó Chi cục trưởng), Nguyễn Minh Thành (nhân viên Chi cục), Trần Trung Nhân (Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Cảng – Bưu Điện), Nguyễn Văn Trung (Kiểm dịch viên Trạm Kiểm dịch). Về hành vi “đưa hối lộ” và “buôn lậu”, khởi tố bị can Trần Nguyên Bình, Đỗ Thùy Nhung (vợ chồng chủ Công ty TNHH XNK Dinh dưỡng Hoàng Sa). Về hành vi “buôn lậu”, khởi tố bị can Đặng Minh Đức, Huỳnh Văn Thịnh, Nguyễn Thị Kiều Thi, Trần Thị Thanh Luyến, Nguyễn Thị Hiền (cấp dưới của vợ chồng ông Bình, bà Nhung). 

Kết quả điều tra ban đầu, trong 8 tháng đầu năm 2023, những người này đã nhập khẩu hơn 77.400 tấn hàng bị cấm nhập, trị giá hơn 950 tỷ đồng. Ông Bạch Đức Lữu nhận hối lộ khoảng 4,6 tỷ đồng; ông Lý Hoài Vũ nhận khoảng 3,2 tỷ đồng; ông Nhân nhận 1,9 tỷ đồng; những kiểm dịch viên trong trạm được chia 3,3 tỷ đồng. 

Cung cách hoạt động phạm pháp: Vợ chồng ông Bình, bà Nhung lập Công ty TNHH XNK Dinh dưỡng Hoàng Sa, thuê bà Luyến làm giám đốc. Đồng thời, lập thêm 5 công ty khác nữa để nhập khẩu trái phép các sản phẩm bột hồng cầu, bột xương động vật từ châu Âu về, bán cho các nhà máy, xưởng chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong đó, bột hồng cầu bò là sản phẩm không được nhập khẩu bởi các nước này từng có dịch bệnh bò điên. 

Để nhập được hàng cấm, vợ chồng ông Bình, bà Nhung cho các nhân viên sửa nội dung khai báo hải quan sản phẩm nhập khẩu là bột hồng cầu heo, sửa thông tin nguồn gốc xuất xứ, làm giả giấy chứng nhận y tế của nước xuất khẩu, chuẩn bị sẵn mẫu đạt chuẩn để giao cho kiểm dịch viên kiểm dịch (quy định thì kiểm dịch viên phải trực tiếp xuống cảng lấy mẫu xét nghiệm, có kết quả đủ điều kiện mới thông quan). Vợ chồng Bình, bà Nhung đưa tiền cho Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Cảng – Bưu Điện Trần Trung Nhân để được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đủ điều kiện thông quan. 

Chi cục Thú y vùng VI có trụ sở ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, trực thuộc Cục Thú y, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về thú y và chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật, kiểm dịch động vật – sản phẩm động vật xuất, nhập khẩu (bao gồm cả thủy sản) tại 11 tỉnh thành gồm: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Tây Ninh. 

Việc kiểm dịch động vật – sản phẩm động vật xuất, nhập khẩu rất quan trọng với ngành thủy sản, một ngành có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm lớn, yêu cầu chất lượng cao. Cho nên, vụ án khiến ngành thủy sản quan tâm. Vụ án đang được Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an các tỉnh, thành khác mở rộng điều tra, xử lý triệt để. 

Sáu Nghệ

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!