Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm làm việc cùng người nuôi tôm ở Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới, tôi nhận thấy ngành tôm đang đối mặt nhiều thách thức liên quan đến kinh tế – xã hội và môi trường. Nhưng trong đó có 3 vấn đề gây áp lực lớn nhất hiện nay là đưa các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ vào hoạt động theo một quỹ đạo, quản lý phương pháp thực hành nuôi tôm và thoái hóa môi trường.
Nhiều nông dân nuôi tôm quy mô nhỏ thường không có cơ hội tiếp cận cơ sở hạ tầng, thị trường và kiến thức tương đương các hộ nuôi quy mô lớn hơn. Điều này dẫn đến nhiều vấn đề như sử dụng nước đầu vào và ra khác nhau, kéo theo nguy cơ rủi ro bùng phát dịch bệnh và tổn thất kinh tế. Do đó, tập hợp được nông dân vào các HTX là một việc không đơn giản nhưng lại là một giải pháp hứa hẹn mang lại nhiều đổi mới tích cực cho ngành tôm nhiều nước, không chỉ riêng Việt Nam.
Cải tiến các phương pháp quản lý cũng là một vấn đề nhức nhối cần phải được giải quyết. Nông dân cần phải được cung cấp nhiều thông tin hơn về cả rủi ro và cơ hội, đạt được giá bán sản phẩm tốt nhất ngay tại trại nuôi và nắm được lợi ích của việc sử dụng những loại thức ăn và phụ gia hiệu quả nhất. Tại Việt Nam, nhiều hộ nuôi quy mô nhỏ vốn xuất thân từ nghề trồng lúa, họ đã chuyển sang nuôi tôm với hy vọng lợi nhuận cao hơn nên kinh nghiệm và kiến thức khoa học về nuôi tôm còn rất hạn chế.
Tiếp theo, thoái hóa môi trường và các tác động tổng thể lên môi trường của ngành tôm là một trong những nguyên nhân chính khiến WWF phải vào cuộc. Những vấn đề nổi cộm như diện tích rừng ngập mặn ngày càng thu hẹp, ô nhiễm dòng nước do hóa chất hoặc dư lượng hóa chất, mất cân bằng hệ sinh thái và môi trường sống.
Tôm đang là sản phẩm thủy sản được tiêu thụ phổ biến nhất thế giới. Nhưng người tiêu dùng toàn cầu đang lo ngại về tình hình sử dụng kháng sinh và thuốc trừ sâu trong nuôi tôm, tiếp đến là ô nhiễm môi trường và điều kiện làm việc của lao động. Với người tiêu dùng, không gì quan trọng hơn sức khỏe và sự an toàn. Do đó, một sản phẩm sạch và giá trị dinh dưỡng cao luôn được ưu tiên hàng đầu. Đã có rất nhiều chiến dịch và lời cảnh báo tại nhiều thị trường châu Âu về tác động của trại nuôi tôm tới môi trường nên nhiều trại nuôi tôm đã không ngại đầu tư và nỗ lực đạt các chứng nhận bền vững. Nếu không bị giới hạn vốn đầu tư, thì một trong những lĩnh vực mà nhà quản lý ngành tôm muốn cải thiện sẽ là cơ sở hạ tầng nước ao. Điều này giảm đáng kể rủi ro lây lan dịch bệnh nhưng đòi hỏi các khoản đầu tư lớn. Cùng đó, cần phải kiên trì đào tạo nông dân và các HTX để thực hành quản lý tốt hơn, đảm bảo giảm thiểu rủi ro kinh tế đồng thời vẫn bảo vệ môi trường.
Chúng tôi nhìn thấy xu hướng hợp tác và mở rộng thành những tập đoàn quy mô lớn hơn trại nuôi công nghiệp trong ngành tôm kéo theo sự hợp tác sẽ xuyên xuốt toàn chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất đến kinh doanh và bán lẻ. Làn sóng toàn cầu hóa đang lan rộng khắp nơi; những cá nhân sản xuất nhỏ lẻ, yếu kém sẽ sớm bị loại khỏi thị trường. Ngành tôm cũng vậy. Hãy nuôi tôm chất lượng, an toàn, và bảo vệ môi trường để duy trì chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Giám đốc phát triển kinh doanh quốc tế, ASC