(TSVN) – Gần 70% ngành NTTS đang phụ thuộc vào các nguồn phụ gia thức ăn trong khi lĩnh vực này vẫn đang tiếp tục phát triển và mở rộng, đi đôi với sự gia tăng các đối tượng nuôi mới đã nhân thêm nhiều cơ hội cho các hãng sản xuất thức ăn thủy sản.
Theo khảo sát về thức ăn chăn nuôi toàn cầu 2020 của Alltech, thức ăn thủy sản chiếm tỷ lệ 4% trong cơ cấu ngành thức ăn chăn nuôi nói chung. Tuy chỉ chiếm một tỷ trọng khiêm tốn so với các lĩnh vực khác như thức ăn cho heo hay gia cầm, thức ăn thủy sản vẫn còn nhiều dư địa phát triển hơn trong tương lai khi ngành NTTS tiến ra đại dương. Trong khi đó, khả năng này ở các lĩnh vực chăn nuôi trên cạn là không có bởi quỹ đất ngày càng hạn hẹp. Do đó, có thể khẳng định triển vọng của lĩnh vực thức ăn thủy sản rất tiềm năng.
Nút thắt lớn nhất trong ngành NTTS vẫn luôn là thành phần thức ăn có nguồn gốc từ biển. Sự phụ thuộc quá lớn vào bột cá, dầu cá – những thành phần thức ăn có nguồn gốc từ cá khai thác trong tự nhiên khiến ngành nuôi thủy sản bị chỉ trích nhiều nhất. Riêng lĩnh vực thức ăn thủy sản đã sử dụng gần 20% tổng sản lượng khai thác cá biển tự nhiên.
Trong khi ngành thức ăn đang dần sử dụng thành phần biển hiệu quả hơn thì ngành khai thác vẫn vật lộn để kiểm soát và giải trình mọi hoạt động trên tàu cá. Gần đây nhất, khi những báo cáo về tình trạng lạm dụng lao động và vi phạm nhân quyền trên các tàu khai thác cá ở Thái Lan bị phơi bày, nhiều hãng thức ăn và chế biến thủy, hải sản bắt đầu chú trọng nhiều hơn đến minh bạch nguồn gốc nguyên liệu chế biến để đảm bảo tiêu chí bền vững.
Tại Thái Lan, cố gắng theo dõi các lô tôm sử dụng thức ăn làm từ nguồn cá nào không đơn giản. Tuy nhiên, để ngành tôm và thức ăn tôm có chỗ đứng trên thị trường quốc tế, Thái Lan buộc phải tìm giải pháp như nhà sản xuất dán tem lên bao bì tương ứng với lượng và loại bột cá; yêu cầu người dân ghi nhận lại số thức ăn và tôm thu hoạch, phát triển biểu mẫu thông tin thức ăn…
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành khai thác lộn xộn và không có quy định sẽ kéo theo nhiều hệ lụy và tai ương cho ngành sản xuất thức ăn thủy sản. Trước đây, hành động phá rừng làm thay đổi hệ sinh thái sản xuất để trồng đậu tương, cọ và ngô từng bị lên án mạnh mẽ, thì vấn nạn lạm dụng lao động và nhân quyền trên tàu khai thác cá nguyên liệu chế biến thức ăn thủy sản bị chỉ trích gay gắt không kém.
Các hãng bán lẻ lo lắng về tính hợp pháp và mức độ đáng tin cậy của các sản phẩm thủy sản đã liên tục tạo sức ép với nhà cung cấp để buộc họ phải minh bạch toàn bộ thông tin về sản phẩm được sản xuất như thế nào trong toàn chuỗi cung ứng, trong đó có nguyên liệu thức ăn. Nếu thành phần thức ăn không minh bạch, chắc chắn những nhà cung cấp các thành phần này sẽ sớm bị đưa vào danh sách đen.
Do đó, sự minh bạch không còn là lựa chọn nữa mà sẽ sớm trở thành một tiêu chí mang tính bắt buộc. Thực tế, một chuỗi cung ứng thức ăn tăng cường tính minh bạch sẽ trở thành một lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn.
Trưởng nhóm NTTS tại WWF