T5, 23/07/2020 05:35

Ngành tôm Việt còn nhiều thách thức

Tôi đã có cơ hội đi thăm nhiều trại nuôi tôm khắp các tỉnh thành, đặc biệt là miền Tây để khảo sát tình hình nuôi tôm tại Việt Nam.

CEO AquainTech Inc Stephen G. NewmanKhi thăm trực tiếp trại nuôi của người dân, tôi hiểu họ vẫn luôn mong muốn học hỏi hoặc đơn giản là mở mang tầm mắt qua công nghệ nuôi tiên tiến của nước ngoài. Ngành tôm nuôi của Việt Nam hay các quốc gia khác trên thế giới đều dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh. Đáng lo ngại nhất là dịch bệnh xảy ra theo định kỳ, hiện hữu hoặc tiềm ẩn khắp nơi. Như nhiều quốc gia châu Á khác, Việt Nam chịu khá nhiều tác động từ dịch bệnh EMS và vẫn đang đối mặt vô số thách thức khác. Tôi từng chứng kiến những thiệt hại to lớn mà nhiều trại nuôi tôm ở đây phải gánh chịu. Con số xuất khẩu “khổng lồ” chưa hẳn đã đánh giá được thực trạng của ngành công nghiệp nuôi tôm tại Việt Nam.

Rất nhiều nhà chế biến tôm hàng đầu ở Việt Nam phải nhập khẩu tôm từ Ecuador, hay Ấn Độ để chế biến và xuất khẩu với nhãn mác Việt Nam. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy ngành công nghiệp nuôi tôm tại Việt Nam chưa thực sự bền vững. Còn nhiều nguyên nhân dẫn tới sự phát triển chưa bền vững của ngành tôm Việt Nam. Một trong số đó có thể kể tới là lĩnh vực kinh doanh mặt hàng tôm mang lại nhiều lợi nhuận, do đó, vẫn xuất hiện những hành động “Đục nước béo cò”. Một vài tổ chức phi chính phủ trục lợi bằng cách mạo danh sự phát triển bền vững, hòng qua mắt người nông dân với nhận thức còn hạn chế, thiếu sự hỗ trợ kịp thời và đúng đắn của các cơ quan nhà nước… Vấn đề này không dễ giải quyết một sớm một chiều, cần sự nỗ lực hết mình của các cấp quản lý nhà nước. Theo tôi, xây dựng mô hình hợp nhất và liên kết dọc có thể là một giải pháp phát triển lâu dài và giúp các cơ sở nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm ở Việt Nam lớn mạnh và thịnh vượng.

Nuôi trồng thủy sản đòi hỏi phải có kiến thức khoa học, sự am hiểu sâu rộng về lĩnh vực thì mới thành công thực sự. Tuy vậy, còn một vài trại nuôi “phớt lờ” tầm quan trọng của khoa học kỹ thuật do thiếu kiến thức, hoặc thậm chí tiếp cận sai kênh khoa học kỹ thuật chính thống. Điều đáng mừng là ngày nay người nuôi tôm tại Việt Nam đã nắm được những kiến thức căn bản về quá trình hình thành dịch bệnh và ngày càng chú trọng kỹ thuật nuôi công nghệ cao. Ở một số nơi trên thế giới, chỉ cần một sự cải tiến trong hệ thống sản xuất cũng có tác dụng giảm bớt dịch bệnh đáng kể. Điều này có nghĩa chúng ta hoàn toàn có cách khống chế vi khuẩn gây bệnh trên tôm như EMS theo nhiều cách. Tuy nhiên, người nuôi tôm không vì thế mà chủ quan coi thường dịch bệnh. Người nuôi vẫn cần phải thực hiện đầy đủ các bước trong quy trình nuôi để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện dịch bệnh. Việc đầu tiên là cần phải có kiến thức căn bản về quy trình nuôi và phòng bệnh; và nên xây dựng được hệ thống kiểm tra vi sinh và hóa chất nước, nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học. Khoa học và kỹ thuật luôn song hành sự phát triển bền vững.

CEO AquainTech Inc

TS Stephen G. Newman

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!