(TSVN) – Hiện nay, các nhà hàng, khách sạn đã dần mở cửa trở lại tại Mỹ và châu Âu kéo theo nhu cầu tiêu thụ tôm tăng ròng. Tuy nhiên, một điều đáng ngạc nhiên là tôm châu Á lại không ghi nhận bất kỳ sự tăng trưởng nào tại châu Âu, trong khi đó tại Trung Quốc, tôm Ecuador có tiếng tăm tốt hơn. Tôm Ecuador đang tiến xa nhờ chiến lược bền vững SSP, còn tôm châu Á vẫn chưa thể nâng tầm được hình ảnh.
Nguyên nhân do ngành tôm châu Á đang bị phân mảnh và thiếu khả năng truy xuất nguồn gốc trong các chuỗi cung ứng lỏng lẻo; do sự cạnh tranh giữa các quốc gia, hoặc thiếu sự hợp tác giữa các hãng nuôi tôm ngay trong một quốc gia. Cho dù là nguyên nhân nào đi nữa, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng ngành tôm châu Á chưa xây dựng được một nhãn hiệu bền vững và thậm chí không mặn mà với việc đó bởi thiếu động lực.
Hãy phân tích SWOT để xác định các mô hình nuôi tôm tại châu Á có phát triển đúng hướng không. Khi thấy nhu cầu tiêu thụ tôm tăng vọt, còn nguồn lợi đất đai, nước thiếu hụt thì câu trả lời là có; nhưng hầu hết các trang trại vẫn đang mắc kẹt trong mô hình 2.0 trong khi họ lại mong ước một mô hình liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hệ quả lớn nhất của mô hình nuôi tôm châu Á hiện nay đó là chi phí sản xuất cao hơn trên mỗi kg tôm do tỷ lệ sống thấp và dịch bệnh cao. Ngành tôm châu Á chỉ có thể duy trì cạnh tranh nếu nhu cầu tiếp tục tăng nhanh hơn nguồn cung và giá tôm toàn cầu đứng vững. Nhưng viễn cảnh đó khó thành hiện thực khi nhiều nước nuôi tôm tại châu Mỹ đang tiến sát mốc sản lượng 1 triệu tấn.
Ngay lúc này, cần tháo những “nút thắt” của ngành tôm châu Á hiện nay. Trước tiên, mô hình nuôi tôm của châu Á hiện nay rất khó dự đoán, không có giải pháp ngăn chặn, hạn chế dịch bệnh cụ thể và hầu như không biết cách rút ra bài học từ những thất bại. Một mô hình nuôi tôm thời công nghệ 4.0 đòi hỏi sự cải tiến cả về phần cứng và phần mềm. Mô hình RAS đáp ứng được các yêu cầu về phần cứng trong kiểm soát khí hậu và quản lý nước nhưng chi phí sản xuất vẫn là rào cản lớn. Nông dân đang mất 100 ngày nuôi tôm tới khi đạt cỡ 60 con/kg, nhưng có thể chia ra 20 ngày cho trại giống, 30 ngày cho giai đoạn ương RAS và 50 ngày cho giai đoạn ao tăng trưởng để giảm chi phí sản xuất.
Phần mềm gồm trí tuệ nhân tạo để giám sát, dự báo, phân tích dữ liệu và tạo mạng lưới IoT liên kết toàn chuỗi cung ứng. Một liên kết yếu kém trong chuỗi cung ứng tôm châu Á hiện nay là thiếu chiến lược xử lý biến đổi khí hậu. Những tai tiếng phá rừng ngập mặn làm ao nuôi tôm vẫn đeo bám và ảnh hưởng đến hình ảnh sản phẩm tôm châu Á đến tận ngày nay. Do những yêu cầu đặc biệt về địa lý, nhiều trại tôm phải xây dựng xa khu vực điện lưới quốc gia và phải phụ thuộc vào hệ thống máy phát chạy bằng dầu diesel nên không dành được điểm trong lộ trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc.
Sau cùng, hai thách thức chính của ngành tôm châu Á là khả năng xác định dữ liệu đáng tin cậy và có giá trị sử dụng, nhưng khó khăn lớn hơn vẫn là sự lưỡng lự chia sẻ thông tin. Người nuôi tôm tại châu Á vẫn giữ quan niệm sai lầm rằng không chia sẻ thông tin để giữ bí kíp kinh doanh mà không nhận ra một chân lý “nước lên thì thuyền lên”. Toàn ngành tôm chỉ thực sự mạnh khi biết hợp tác để tạo mối liên kết bền chặt.
Aquaculture Asia Pacific