(TSVN) – Đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản phục hồi ấn tượng khi tăng hai con số ở hầu hết các thị trường, tuy nhiên, cũng phát sinh hàng loạt chi phí đầu vào, nhất là có một số quy định khiến doanh nghiệp tốn hàng trăm tỷ đồng.
Trước tiên là các sản phẩm chế biến đông lạnh, thực phẩm nhập khẩu đáng lý được miễn kiểm tra, nhưng thông tư của Bộ NN&PTNT lại đưa vào danh mục kiểm dịch.
Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết, đối với thủy sản xuất khẩu, việc kiểm tra được áp dụng theo quy định “an toàn thực phẩm” (trừ một số sản phẩm tươi sống liên quan đến tôm, cá sang thị trường Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc….). Ngược lại, hàng nhập khẩu chủ yếu là sản phẩm chế biến đông lạnh, thực phẩm và được sử dụng làm nguồn nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu đều phải “kiểm dịch” hoặc đồng thời “kiểm dịch” và “kiểm tra an toàn thực phẩm”.
Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ về an toàn thực phẩm đã quy định, nhóm hàng này được miễn kiểm tra. Thế nhưng thông tư của Bộ NN&PTNT đưa nhóm hàng này vào danh mục kiểm dịch. Hiện 100% lô hàng, với 308 dòng sản phẩm thủy sản nhập khẩu đều bị kiểm tra hồ sơ và cảm quan, có giấy của thú y mới được thông quan. Mỗi năm, chỉ riêng tờ khai “kiểm dịch” hàng thủy sản của Bộ NN&PTNT đã lớn hơn tổng số tờ khai kiểm tra “an toàn thực phẩm” và “chất lượng” của 13 Bộ, ngành cộng lại. “Hiện có trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu thủy sản của Việt Nam (hơn 85% là chế biến đông lạnh) cũng chỉ áp dụng kiểm tra an toàn thực phẩm, nhưng Việt Nam lại đặt tên là kiểm dịch”, ông Hòe nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ vừa có dự thảo sửa đổi Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản theo hướng không thực hiện kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh nhập khẩu dùng làm thực phẩm để gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước. Dự thảo đưa ra lấy ý kiến từ giữa tháng 4/2022, có thể hoàn thành sửa đổi trong quý II năm nay.
Hiện còn có tình trạng phí chồng phí. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta phân tích tình trạng phí chồng phí khi hàng loạt vật tư đầu vào đồng loạt tăng giá. Đó là, giá tôm giống tăng 5 – 7%; cá giống tăng 25 – 30%, thức ăn thủy sản tăng trên 5%, một số hóa chất tăng tới 20 – 30%.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết thêm khó khăn về giá cước vận tải biển. Giá cước xuất hàng đi các thị trường đã cao hơn mức đỉnh của năm ngoái mà rất ít hãng tàu nhận vận chuyển, số chuyến có tháng còn bị cắt giảm. “Năm ngoái, cước vận tải biển tăng cao đã ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, năm nay khó khăn hơn và doanh nghiệp phải giảm số lượng công nhân, chỉ còn duy trì chưa đến 2/3 so với mọi năm”, ông Lĩnh bày tỏ.
Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe lại nhắc tới việc TP Hồ Chí Minh thu phí hạ tầng cảng biển từ đầu tháng 4, khiến doanh nghiệp rất chật vật. “Chúng tôi đang kiến nghị tạm dừng thu phí cảng biển đến cuối năm nay hoặc sang năm”, ông Hòe nói.