Cho đến thời điểm này, COVID-19 thực sự là cú sốc bất thường và khó đoán với nền kinh tế toàn cầu. Chúng tôi không dám chắc dịch bệnh này sẽ lan rộng tới đâu và ảnh hưởng ra sao đến thị trường.
Nhìn nhận theo nền kinh tế vĩ mô, chúng tôi dự đoán rằng, tác động của COVID-19 dường như rất giống với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009, hơn là những tác động từ đại dịch SARS do thực tế Trung Quốc và nhiều nền kinh tế thế giới đang có mối liên kết ngày càng khăng khít kể từ năm 2003 – đợt bùng phát dịch SARS.
Nền kinh tế của Trung Quốc và toàn cầu ngày càng gắn kết. Bằng chứng, nhiều quốc gia vừa phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ và nguồn khách du lịch từ Trung Quốc. Nếu dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc chậm hơn 2% so dự báo năm 2020 là chính xác, thì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 1%.
Ngành thực phẩm và nông nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đặc biệt là khối nhà hàng và chuỗi kinh doanh dịch vụ thực phẩm. Và mặc dù nhiều tỉnh Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng hạn chế di chuyển, khối nhà hàng và dịch vụ thực phẩm vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Những dự báo ban đầu cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu phục hồi vào quý II; nhưng tới nay chúng tôi dự báo khả năng hồi phục khó có thể xảy ra cho đến tận quý III và quý IV. Nhìn về phía trước, trong khi ngành sản xuất công nghiệp đang bắt đầu phục hồi, thì sự chi tiêu của người tiêu dùng cũng bị thụt lùi phía sau. Sức mua chậm phục hồi không chỉ ảnh hưởng đến ngành hàng dịch vụ thực phẩm của Trung Quốc, mà còn nhiều quốc gia châu Á khác như Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Sự ảm đạm phủ kín ngành hàng thủy sản. Tại Trung Quốc, sản lượng nhiều loại thủy sản nước ngọt như tôm hùm đất giảm mạnh do nhiều tỉnh, thành bị phong tỏa; tuy nhiên, lĩnh vực nhập khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc chịu tác động mạnh nhất. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm như hàu, tôm hùm, cá ngừ, cá hồi – nguyên liệu ưa thích trong các món sushi, sashimi giảm mạnh nhất. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thủy sản thường được nấu chín và ăn tại gia đình như cá rô phi hay cá tra lại không bị ảnh hưởng. Một khi lệnh phong tỏa được nới lỏng, những sản phẩm này chắc chắn sẽ có cơ hội bứt phá tại thị trường Trung Quốc.
Một thực tế, Trung Quốc đang thiếu protein sau đại dịch tả heo châu Phi (ASF), nên cơ hội cho sự tăng trưởng doanh số bán hàng những sản phẩm thủy sản là rất lớn. Trong các kịch bản tình huống được vạch ra cho nền kinh tế Trung Quốc và thế giới, kịch bản được cho là tích cực nhất chính là xu hướng tiêu dùng thủy, hải sản của người dân Trung Quốc nhìn chung khá ổn định trước và trong đại dịch COVID-19. Ngoài Trung Quốc, vẫn còn quá sớm để đánh giá những ảnh hưởng chung của dịch bệnh lên các quốc gia khác, như Italy chẳng hạn. Tuy nhiên, vài tín hiệu lạc quan đang dần hé lên trong khi sự lo lắng về COVID-19 vẫn đang bao trùm toàn cầu. Đó là chiến lược ngăn chặn kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc đang bắt đầu phát huy hiệu quả; số ca nhiễm bệnh đang giảm từng ngày. Một khi thị trường Trung Quốc “khỏe” trở lại, thì mọi thứ mới có thể quay lại đúng quỹ đạo.
Chuyên gia thực phẩm và nông nghiệp, Rabobank