(TSVN) – Hậu COVID-19 không còn là một chủ đề nóng nữa. Đại dịch kéo dài suốt 2 năm qua và những tác động của nó sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, nhưng chậm dần và chẳng mấy cũng trở thành quá khứ, giống như cúm Tây Ban Nha cách đây 100 năm.
Chúng ta có thể tổng hợp được những tác động quan trọng nhất của đại dịch COVID-19 lên công nghệ NTTS một cách nhanh chóng và ngắn gọn. Nhưng nghiêm trọng nhất đến nay là những vấn đề liên quan đến logistics. Cước phí vận tải từ đường biển, đến hàng không đều đắt đỏ mà vẫn khó đặt được chỗ. Tình trạng thiếu hụt container trầm trọng đã đẩy giá cước biển lên mức vô tiền khoáng hậu. Khủng hoảng ngành vận tải, một trong những hậu quả của COVID-19 gây ra sẽ còn kéo dài. Tất nhiên rồi sẽ đến lúc các chuyến vận tải hàng không phục hồi và tình trạng thiếu hụt container đường biển biến mất.
Nhưng khủng hoảng ngành vận tải đã tạo ra một số tác động kéo dài. Đầu tiên, nó tạo ra sức hút lớn lên các hệ thống nuôi thủy sản RAS. Mô hình này chắc chắn sẽ lên ngôi trong tương lai khi xuất hiện nhu cầu di chuyển nơi sản xuất gần thị trường hơn để giảm phụ thuộc vào hoạt động vận tải và giảm dấu chân carbon. Tiếp đến là nhu cầu kiểm soát môi trường nuôi thủy sản để giảm dịch bệnh và ký sinh trùng tấn công. Nhiều chuyên gia trong ngành NTTS tin rằng, sự thay đổi để hướng tới RAS sẽ duy trì và thậm chí ngày càng mạnh mẽ hơn trong những năm tới.
Ngày nay đã xuất hiện một “mô hình” nhà đầu tư mới có nguồn vốn khổng lồ và chuyển giao kỹ thuật tiên tiến. Sự ra đời của SalMar Aker Ocean là một ví dụ. Công ty nuôi thủy sản SalMar là một trong những hãng nuôi cá hồi lớn nhất thế giới và từng rót hàng tỷ USD vào công nghệ mới như dự án nuôi cá ngoài khơi quy mô khổng lồ Ocean Farm 1.
Nhiều công ty nuôi cá tại Na Uy đang lo ngại sẽ mất thị phần vào tay các quốc gia mới nổi. Họ lo sợ cá hồi Na Uy quá đắt đỏ và xa cách thị trường. Đây là lý do mà Na Uy đang trở nên “linh hoạt” hơn. Họ không còn phụ thuộc vào công nghệ nuôi cá cố định trong vịnh hay eo biển nữa mà có thể di chuyển khắp nơi. Công ty nuôi cá hồi trên cạn Atlantic Sapphire tại Florida là một ví dụ.
Nhưng các mô hình nuôi cá trên cạn đang đối mặt 2 thách thức là thiếu năng lượng và nguồn nước. Năng lượng xanh, như phong điện (điện gió) hay điện mặt trời sẽ tiếp tục phát triển nhưng ở mức độ nào thì vẫn chưa thể khẳng định bởi vẫn còn nhiều ý kiến phản đối sản xuất phong điện trên cạn và ngoài khơi vì nhiều nguyên do.
Hệ thống RAS trên cạn có thể làm tăng áp lực lên nguồn nước và nước ngọt là một trong những nguồn lợi có thể nhanh chóng cạn kiệt. Vấn đề này đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, nhưng ít được chú ý. Giải pháp duy nhất lúc này vẫn là phát triển công nghệ NTTS có khả năng thích ứng dù sẽ mất nhiều tiền bạc, thời gian nghiên cứu và công sức.
Nor-Fishing Foundation