T2, 02/12/2024 10:13

Nỗ lực trở lại “bình thường mới”

(TSVN) – Tại các thị trường tiêu thụ tôm, hậu COVID-19 năm 2022 đã khiến lượng hàng tồn kho tăng cao, nhu cầu thấp. Từ nửa cuối năm 2022, Trung Quốc trở thành thị trường tôm lớn nhất thế giới với lượng nhập khẩu một triệu tấn trong khi sản lượng nội địa chỉ 800.000 tấn. Dù vậy, tôm nhập khẩu chủ yếu là tôm đông lạnh hoặc ướp lạnh, có giá thấp hơn so với tôm trong nước.

Giá tôm nuôi vẫn thấp mặc dù khối lượng tiêu thụ đã chạm mức cao kỷ lục. Ngược lại, cá hồi Na Uy thắng lớn trong năm 2023 với giá trung bình 97 NOK/kg, vượt mức giá 82 NOK/kg vào năm trước đó. Dù nguồn cung cá hồi cuối năm 2024 dồi dào hơn nhưng giá mặt hàng này vẫn duy trì ở mức cao.

So sánh chỉ số giá TTCT với các loại protein thực phẩm khác tại Mỹ cho thấy nghịch lý tôm rất rẻ nhưng nhu cầu lại không tăng. Nguyên nhân do giá bán lẻ tôm chưa đủ hấp dẫn người tiêu dùng. Nhiều dự đoán lạc quan rằng nhu cầu tiêu thụ tôm tại Mỹ và châu Âu sẽ tăng trở lại, nhưng không đạt mức kỳ vọng của ngành tôm.

Tại Trung Quốc, tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại vẫn chưa thuận lợi để tạo đà kích cầu tiêu thụ tôm. Trong năm 2024, giá tôm châu Á liên tục giảm khiến khó khăn bao trùm. Từng có thời điểm chỉ trong vòng 1 tuần (tuần 15), giá TTCT cỡ 60 con/kg tại Quảng Đông, Trung Quốc giảm 4,3%. Cùng đó, khối lượng tôm châu Á xuất khẩu sang Mỹ tăng nhưng giá bán lại giảm 5,45%.

Giá tôm nhập khẩu trung bình từ Ecuador vào Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2024 đã giảm xuống mức thấp lịch sử 4,36 USD/kg. Trong khi đó, lượng tôm Ecuador vào thị trường này cũng lao dốc trong các tháng đầu năm, một phần do Trung Quốc tăng cường kiểm tra hàng hóa tại cảng nhằm siết chặt quản lý nhãn mác và dư lượng sulphite. Tình trạng dư cung, giá thấp, cùng các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp từ Mỹ cũng làm gia tăng áp lực cho ngành tôm châu Á.

Dự báo sản lượng tôm tại châu Á không thay đổi so với năm trước, trong khi Ecuador tăng 13 – 14%. Những công ty lớn có năng lực chế biến sẽ chiếm ưu thế ở Ecuador, đồng thời sử dụng đòn bẩy “công nghệ hóa” mở rộng sản xuất. Trong khi đó, tại Ấn Độ, ngành tôm lại bị chi phối bởi các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Tại quốc gia này, thách thức lớn nhất là tỷ lệ vụ nuôi không thành công. Điểm tích cực là mật độ thả nuôi thấp nhưng không phá vỡ ranh giới sinh học. Chi phí hậu cần tăng, nhưng TTCT Ecuador vẫn chiếm thị phần 65% tại Trung Quốc, chủ yếu là sản phẩm HOSO trong khi Ấn Độ cung cấp tôm bóc vỏ sang Mỹ.

Nhu cầu tiêu thụ tôm tại Mỹ và châu Âu kỳ vọng sẽ tăng trở lại. Ảnh: Pngtree

Dù chưa trở lại “bình thường mới”, ngành tôm châu Á vẫn đón những tín hiệu triển vọng tích cực. Số liệu đưa ra tại Hội nghị Thị trường thủy sản toàn cầu 2024 (GSMC) ước tính nguồn cung TTCT cho năm 2024 đạt 5,1 triệu tấn, tăng 4,5% so năm 2023. Trong đó, lượng tôm đến từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20%, Ecuador 12% và Brazil 20%.

Ngành tôm của Ecuador năm 2024 được kỳ vọng tăng trưởng tốt dù tốc độ mở rộng chậm hơn so năm trước do lợi nhuận thu hẹp. Chính điều này khiến tăng trưởng ngành tôm toàn cầu 2025 chững lại cùng sản lượng dự kiến 6,1 triệu tấn. Tại các thị trường tiêu thụ tôm, tình trạng giá thấp tiếp tục duy trì do nguồn cung chưa có dấu hiệu cắt giảm. Mặc dù vậy, Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn nằm trong nhóm thị trường tôm tiềm năng; trong khi Ecuador, Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục tăng sản xuất tôm.

Novel Sharma
Chuyên gia thương mại và nuôi trồng thủy sản Rabobank

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!