Đông Nam Á, nơi nhiều quốc gia có đường bờ biển trải dài vô tận, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi biển. Điển hình trong khu vực này có Indoneisa với 17.500 hòn đảo lớn nhỏ và nhiều vùng vịnh (địa hình tối ưu để phát triển nghề nuôi các loài cá biển nhiệt đới).
Nhưng bất chấp điều đó, quốc gia này lại ưu ái dành những vùng đất rộng lớn nhất để nuôi tôm và cá rô phi trong khi chỉ có cá măng mới có thể là loài mang lại giá trị tiềm năng to lớn cho nền kinh tế của Indonesia.
Nhắc đến nghề nuôi biển ở một số nước phương Tây, người ta nghĩ ngay đến cá hồi. Con cá này đã trở thành một biểu tượng của nghề nuôi biển tại những quốc gia như Na Uy, Chilê. Nhưng nghề nuôi biển tại Đông Nam Á lại khá mờ nhạt vì chưa xác định được đối tượng nuôi phù hợp nhất. Do đó, điều cần nhất là phải tìm ra một loài nuôi biển nhiệt đới tương đương cá rô phi, cũng ăn tạp, khỏe, dễ sinh sản và có thể đạt kích thước thương phẩm dưới 1 năm.
Việc xác định đối tượng nuôi cần tiến hành cẩn thận và tránh đi vào vết xe đổ như cá cam Mỹ Latinh. Tại Mỹ Latinh, con cá này từng được nhận định là đối tượng có thể sinh sản tốt trong môi trường được kiểm soát, đạt tỷ lệ sống cao và quan trọng nhất là có thị trường tiêu thụ ổn định. Nhưng cá cam Mỹ Latinh thất bại vì vấp phải rào cản thức ăn chăn nuôi. Tại khu vực Mỹ Latinh, ngoại trừ Chilê, không có nhà máy nào đủ khả năng sản xuất được thức ăn chăn nuôi thủy sản chất lượng cao. Thiếu hụt nguồn thức ăn chăn nuôi chất lượng cao chính là nguyên nhân dẫn tới sự phá sản của những nhà đầu tư dự án nuôi cá cam Mỹ Latinh vì thời điểm đó người nuôi phải nhập khẩu thức ăn thủy sản từ châu Âu và Canada. Nuôi cá cam đi vào ngõ cụt khi các công ty chế biến thức ăn trong vùng không sẵn sàng đầu tư dây chuyền sản xuất thức ăn chất lượng cao, vì e ngại khối lượng thức ăn bán ra không đủ bù chi phí; còn nhiều nhà đầu tư khác lại không tin tưởng vào nghề nuôi biển nhiệt đới trong khu vực khi nhìn thấy nguồn thức ăn cho loại cá này không sẵn có.
Đây không chỉ là vướng mắc của con cá cam Mỹ Latinh mà còn là trở ngại lớn nhất của nghề nuôi biển hiện nay. Đã đến lúc, những nhà đầu tư nuôi trồng thủy sản đến hãng thức ăn chăn nuôi cần phải làm việc cùng với nhau để giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, cần tập trung hơn nữa vào phát triển công nghệ nuôi, mạng lưới cung cấp cũng như chuyển giao công nghệ. Chúng ta sẽ cần phải đầu tư hàng triệu USD cho ngành nuôi biển nhưng chắc chắn kết quả thu lại sẽ chứng tỏ đó là một sự đầu tư đúng hướng và hoàn toàn xứng đáng.