Chúng ta chưa biết trước được khả năng các loài cá khác có tiếp bước sự thành công vang dội của ngành công nghiệp cá hồi hay không nhưng chắc chắn ngành nuôi trồng thủy sản nói chung sẽ ngày càng được chuyên nghiệp hóa trong những năm tới.
Chuyên nghiệp hóa là điều rất cần thiết nếu những sản phẩm thủy sản được tạo ra theo cách thức bền vững và đảm bảo chi phí hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của con người.
Thực tế, những nơi nuôi cá hồi thành công thường đạt độ chuyên nghiệp hóa rất cao nhưng điều này không có nghĩa cá hồi mới là đối tượng nuôi tốt nhất. Các loại cá khác cũng sẽ gặt hái thành công, nhưng mức độ và con đường phát triển khác nhau. Cá rô phi ở Mỹ là một ví dụ cho thấy loại cá này vẫn phát triển tốt ở hai thị trường mang đặc tính khác biệt nhau là thị trường đông lạnh với nguồn cung chủ yếu từ Trung Quốc và thị trường cá tươi sống chủ yếu được cung cấp từ Nam Mỹ. Hoặc như cá chép, dù được tiêu thụ rộng rãi và rất phổ biến ở thị trường Trung Quốc, nhưng sang thị trường phương Tây lại mờ nhạt và bị đánh bật bởi các loại cá truyền thống khác.
Người nuôi cá chuyên nghiệp luôn quan tâm thị hiếu của người tiêu dùng và đó là cách để họ tồn tại và phát triển được quy mô hoạt động. Ví dụ, những loại cá ăn cỏ chiếm tỷ lệ áp đảo các loại cá ăn thịt. Tuy nhiên, định hướng tương lai cho nhu cầu tiêu thụ không phụ thuộc vào hai loại này mà là thị hiếu của người tiêu dùng và khả năng phát triển hệ thống sản xuất đảm bảo hiệu quả chi phí của người nuôi. Các loại cá nuôi hiện nay rất đa dạng và trội hơn hẳn các loại gia cầm hoặc heo về chủng loại. Điều này có nghĩa, cá có thể rẻ hơn thịt gà nhưng phần lớn người tiêu dùng tại các nước phát triển không quyết định mua hàng chỉ dựa vào giá bán, dù chi phí sản xuất ảnh hưởng tương đối lớn tới giá của sản phẩm cuối cùng. Phần lớn người tiêu dùng mua cá vì cá tốt cho sức khỏe, không phải vì nó rẻ hơn thịt gà.
Nuôi cá chuyên nghiệp cũng có nghĩa phải có nguồn thức ăn bền vững và được sản xuất có trách nhiệm. Tại Na Uy, Tập đoàn Biomar đã cắt giảm tỷ lệ bột cá trong thức ăn thủy sản từ 30% xuống 10 – 15%. Tại châu Á, nhiều hãng thức ăn thủy sản như Evergreen Feed của Trung Quốc hay Htoo Thit của Myanmar đã sản xuất thành công thức ăn không có thành phần bột cá được nhiều trại nuôi đón nhận và quan trọng là tên tuổi của các hãng thức ăn này đã vượt ra khỏi phạm vi quốc gia để gia nhập thị trường quốc tế.
Thủy sản sẽ đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực cho 9 tỷ người tới năm 2050 và đây là trách nhiệm của ngành nuôi trồng thủy sản chuyên nghiệp. Tuy nhiên, dù mức độ chuyên nghiệp hóa cao đến đâu thì cũng đều phải dựa trên một nguyên tắc phát triển chung đó là bền vững ở cả góc độ môi trường và kinh tế.