(TSVN) – Thời báo kinh tế The Economist đã dự đoán tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu năm 2023 chỉ ở mức khiêm tốn. Sự phục hồi của nền kinh tế trong năm nay sẽ rất mờ nhạt nhưng sang năm 2024, The Economist kỳ vọng mức tăng trưởng DGP toàn cầu 2,5%.
Nhưng mặt khác, The Economist cũng tỏ ra bi quan và lo ngại về nguồn cung lương thực toàn cầu, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, chiến sự tại Ukraina đang tác động tiêu cực đến nguồn cung thực phẩm, nhưng về lâu dài, những tác động này ngày càng nghiêm trọng hơn và thế giới sẽ không thể sản xuất đủ lương thực để đáp ứng cho dân số đang ngày càng bùng nổ.
Tất cả chúng ta đều nhận thức được rằng, NTTS là lĩnh vực sản xuất protein hiệu quả nhất hiện nay; tuy nhiên, ngành công nghiệp này cũng đang phải đối mặt với một số thách thức. Trong đó, thách thức quan trọng nhất là chi phí gia tăng từ năng lượng, vật tư, thức ăn chăn nuôi đến công nghệ. Còn một thách thức nữa chính là các rào cản liên quan đến quy định khắt khe tại một số quốc gia phương Tây và châu Á, nhằm bảo vệ sinh thái và môi trường đã ngăn cản ngành NTTS mở rộng diện tích dù không ai phủ nhận ngành này đóng góp tích cực vào an ninh lương thực toàn cầu.
Trên thị trường, các sản phẩm thủy sản cũng đang cạnh tranh với các loại thực phẩm khác, đặc biệt là thịt gia cầm và thịt đỏ. Cùng đó, nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm thuần chay cũng ngày càng tăng; nhưng thế giới vẫn có nhu cầu tiêu thụ các loại protein động vật, do đó cá và thủy sản sẽ trở nên phổ biến hơn thịt đỏ.
Nhu cầu thực phẩm phụ thuộc vào tăng trưởng dân số trong khi dân số thế giới đang tăng nhanh hơn dự báo. Trong báo cáo “Những giới hạn tăng trưởng” của The Club of Rome vào năm 1972, các tác giả nghiên cứu đã kết luận sự gia tăng dân số liên quan đến mức độ sẵn có của nguồn cung thực phẩm. Cách duy nhất để đảm bảo đầy đủ lương thực và làm chậm quá trình tăng giá lương thực là kiểm soát tốc độ gia tăng dân số. Nhưng điều đó không xảy ra, dân số vẫn bùng nổ, khiến thế giới phải đối mặt với thời kỳ khó khăn về nguồn lương thực và xung đột chính trị lan rộng.
Năm 2012, nhóm nghiên cứu viết tiếp phần 2 báo cáo trên. Nhóm chuyên gia chỉ ra rằng, khi dân số tăng, nguồn cung thực phẩm tính theo đầu người, sản xuất bình quân và khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên đều giảm. Điều chúng ta cần lúc này là sự đột phá trong sản xuất lương thực và ngành NTTS là ứng cử viên sáng giá nhất có khả năng này. Nhưng muốn đột phá thành công, ngành thủy sản cần công nghệ tốt hơn và có thể áp dụng linh hoạt ở khắp nơi, từ những quốc gia giàu có đến các quốc gia đang phát triển.
Dân số toàn cầu vẫn đang tăng nhanh. Do đó, cả thế giới đang phải đối mặt một cuộc khủng hoảng thực phẩm nghiêm trọng. Rất may, ngành NTTS chính là một phần giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Chúng ta phải tiếp tục phát triển lĩnh vực này và tập trung cào những công nghệ tốt hơn, đặc biệt là nuôi thủy sản ngoài khơi để khai thác hiết tiềm năng của đại dương bao la.
(The Nor-Fishing Foundation)