(TSVN) – Ngày 16/8/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 985/QĐ-TTg ban hành Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 – 2030.
Mục tiêu chung là phát triển NTTS hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nuôi trồng; đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trọng tâm phát triển NTTS là phải có chứng nhận. Thực hiện kiểm soát chặt chẽ điều kiện cơ sở nuôi theo các quy định hiện hành, khuyến khích mở rộng diện tích nuôi theo các tiêu chuẩn để tạo sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo ATTP. Về kiểm soát chất lượng, ATTP và truy xuất nguồn gốc trong NTTS, xây dựng, phát triển các vùng nuôi đảm bảo ATTP, thực hiện giám sát dư lượng hóa chất, thuốc, kháng sinh; xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo quy định của pháp luật và yêu cầu thị trường.
Chương trình đặt ra những giải pháp cụ thể để phát triển một ngành thủy sản minh bạch từ nuôi trồng; xây dựng thương hiệu thủy sản thông qua sự minh bạch, xóa bỏ sự mù mờ hiện nay. Đây là quá trình cần có sự đóng góp của chuyển đổi số và điều này được khẳng định tại Lễ phát động Chuyển đổi số và Triển khai Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng được Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 19/8/2022. Tại buổi lễ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: “Chúng ta xây dựng thương hiệu nông sản thông qua sự minh bạch để xóa bỏ một nền nông nghiệp mù mờ từ người mua, người bán đến cơ quan quản lý; mù mờ từ thị trường, chất lượng đến xuất xứ, nguồn gốc”.
Hiện nay, các địa phương đã và đang chú trọng xây dựng vùng sản xuất được cấp mã số định danh để theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng nông sản. Tuy nhiên, hầu hết còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa kết nối đầy đủ thông tin giữa sản xuất với thị trường, nhất là chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về truy xuất nguồn gốc.
Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng là nền tảng đảm bảo nông sản “Đúng – Đủ – Sạch – Sống”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá: “Việc này có ý nghĩa quan trọng để định danh nông sản Việt, góp phần xây dựng lòng tin, khẳng định thương hiệu về chất lượng của nông sản Việt trên thị trường nội địa và quốc tế, cũng như những lợi ích kinh tế mang lại cho người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp”. Hơn nữa, còn góp phần đổi mới quản lý nông nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế.
Những vấn đề trên có thể hiểu thêm qua thị trường Trung Quốc đang nóng tính thời sự. Tại diễn đàn về Trung Quốc tăng kiểm soát nhập khẩu chuỗi cung ứng lạnh tổ chức ở tỉnh Bình Thuận sáng 19/8/2022, ông Lương Văn Tài là Tùy viên thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh cho biết, thủy sản nằm trong nhóm vi phạm nhiều nhất. Các lỗi vi phạm liên quan chính là thiếu minh bạch, chưa truy xuất được nguồn gốc.