Chìa khóa để nuôi tôm và cá biển thành công là phải đảm bảo được nguồn cung tôm post và cá giống chất lượng cao. Ngành công nghiệp sản xuất giống thủy sản trị giá hàng triệu USD vẫn cần phải được cải tiến nhiều hơn nữa.
Mục tiêu trọng tâm là tạo ra được nguồn cung con giống chất lượng, ổn định và đạt hiệu quả về chi phí sản xuất. Tuy nhiên, vẫn có một áp lực lớn thường trực với mỗi trại giống đó là phải tiếp tục hạ thấp chi phí sản xuất hơn nữa. Nhiều trại giống không đặt mục tiêu chất lượng lên hàng đầu, cũng bởi vì họ thiếu công cụ thích hợp để làm được việc đó.
Trái lại, rất nhiều trại sản xuất giống rất hiệu quả. Công cụ trong tay họ chính là khoa học kỹ thuật. Thập niên 80, tại các trại giống thủy sản của Trung Quốc, probiotics được sử dụng để chống lại vi khuẩn Vibrio bùng phát; cuối thập niên 80, nhiều trại đã biết tập trung vào các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh bằng phương pháp thực hành quản lý tốt. Tại Hội nghị Larviculture Conference đầu tiên năm 1991, ngành sản xuất giống thủy sản đã nhận ra nhu cầu cấp bách trong nâng cao kiến thức nghiên cứu chuyên sâu về vai trò của vi khuẩn và kỹ thuật chăn nuôi, sau đó tới cải thiện chất lượng nước, Artemia và vệ sinh.
Ngành nuôi cá biển tại châu Á đầy tiềm năng nhưng chi phí đầu tư quá tốn kém; tại châu Âu lại khác, ngành này rất phát triển và quy mô lớn. Để sản xuất 1,2 tỷ cá giống sẽ mất 150 triệu EUR. Châu Á cũng sẽ phải chi một khoản tiền tương tự nếu muốn phát triển ngành nuôi cá biển hùng hậu như châu Âu. Nhưng ngoài tài chính, ngành cá biển châu Á vẫn còn vướng phải một số khó khăn khác như tìm kiếm đối tượng nuôi phù hợp điều kiện khí hậu.
Trong những năm tới, trọng tâm của ngành thủy sản sẽ là quản lý vi khuẩn trong trại giống, trại ương và trại nuôi. Hiện, ngành NTTS toàn cầu đang đứng trước bước ngoặt trong quản lý vi khuẩn. Chúng ta nên tập trung vào việc tăng cường kiểm soát hệ vi khuẩn và nâng cao sản lượng cho các trại giống. Do vậy, ngay lúc này cần phải áp dụng các kiến thức mới cho ngành sản xuất truyền thống theo lối mòn trước đây.
Vi tảo, rotifer và Artemia, nếu không sử đụng dúng cách sẽ trở thành mối họa Vibrio và có thể là nguồn cơn của nhiều loại vi khuẩn khác mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay. Do đó, chúng ta cần phải thay thế nhiều hơn và thậm chí thay thế hoàn toàn thức ăn sống, mặc dù vẫn cần duy trì các yếu tố khác như enzyme tiêu hóa.
NTTS chính xác sẽ là tương lai của ngành thủy sản. Chúng ta vẫn cần thêm 100 triệu tấn thủy sản nữa để đáp ứng cho toàn cầu. Do đó, cần phải tập trung nhiều hơn vào việc tăng cường tính bền vững của ngành NTTS và sử dụng những công cụ mới cho ngành NTTS chính xác. Tôi tin rằng, những gì mà ngành cá hồi đã làm được, thì ngành cá khác ở châu Á cũng có khả năng nếu nắm trong tay công nghệ và trí tuệ nhân tạo.