Dù gặp phải không ít rào cản, nhưng tôi tin Pangasius không dễ bị lật đổ tại thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Mỹ. Loài cá này đã phải gồng mình đấu tranh một cách thầm lặng để giữ vững vị thế và danh tiếng.
Theo số liệu mới nhất của Viện Thủy sản Quốc gia Mỹ, cách đây 2 năm, Pangasius đã được xếp hạng thứ 6 trong tổng số 10 loại thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất tại thị trường Mỹ. Khi Pangasius trở thành món ăn quen thuộc với người tiêu dùng Mỹ, nó bắt đầu được nhiều nhà hàng, khách sạn để mắt tới. Andrew Greul, quản lý Slapfish, chuỗi nhà hàng phục vụ các món ă thủy sản bền vững tại Huntington Beach, bang California cho biết, chúng tôi sử dụng Pangasius để chế biến “fish and chip” món ăn nhanh truyền thống gồm cá tẩm bột và khoai tây chiên và là món thường ngày không thể thiếu, phù hợp mọi tầng lớp xã hội.
Nhà hàng đầu tiên đưa Pangasius vào thực đơn là Market Place Restaurant ở Asheville, bang N.C. vào năm 2008. While Dissen, quản lý nhà hàng Market Place khẳng định rằng lần đầu tiên ăn cá Pangasius tại Việt Nam, anh đã có ý định đưa loại thực phẩm độc đáo này tới nhà hàng của mình ở nước Mỹ. Tuy nhiên, trên thực đơn, cái tên “Pangasius” vẫn bị lẩn tránh và thay bằng những tên đáng tin cậy hơn vì người bán hàng vẫn mù mờ thông tin về cách thức và quy trình nuôi loại cá này tại Việt Nam. Thông tin rõ nét nhất được truyền tải đi khắp nước Mỹ chỉ gồm: Pangasius là loài cá nuôi lớn nhanh như thổi của vùng sông Mekong ở Việt Nam từ những năm 1940. Gần đây, Pangasius mới được nuôi tập trung ở những vùng quy hoạch có kiểm soát chặt chẽ và Chương trình giám sát Seafood Watch của The Monterey Bay Aquarium đang xếp Pangasius nuôi ở Việt Nam trong danh mục sản phẩm “cần tránh”.
Theo thông tin trên website của Seafood Watch, việc xả thải chưa qua xử lý một cách bất hợp pháp từ các trang trại nuôi cá tra “siêu thâm canh” tại Việt Nam đã hủy hoại nguồn nước xung quanh. Người nuôi cá cũng sử dụng khá nhiều kháng sinh trong suốt quá trình sản xuất, gồm cả những loại kháng sinh dùng cho người, gây hậu quả kháng kháng sinh rất nguy hiểm. Tuy nhiên, Seafood Watch cũng đã cân nhắc xếp hạng Pangasius vào nhóm “thay thế tốt” vì gần đây nhiều trang trại tại Việt Nam đã quan tâm hơn đến quy trình nuôi theo chuẩn quốc tế như BAP, ASC hoặc nuôi sinh thái của Natureland.
Nhưng thực tế là nhiều chuỗi khách sạn và nhà hàng phục vụ ăn uống lại bất chấp những mối quan ngại liên quan đến tính bền vững của loại cá này. Hay nói cách khác, khẩu vị cũng như khả năng chi trả của khách hàng sẽ quyết định phần lớn sự tồn tại của Pangasius trên thị trường.
Fern Glazer – Chuyên gia phân tích xu hướng tiêu dùng tại Nation’s Restaurant News, Mỹ