T4, 21/12/2022 09:45

Quản lý khai thác biển

(TSVN) – Đoàn của EC kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị về chống IUU từ ngày 19 – 28/10/2022 kết thúc mà chưa quyết định rút “thẻ vàng”.

Dự kiến đầu năm 2023, đoàn tiếp tục sang kiểm tra. Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho hay, Đoàn EC lưu ý tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến khai thác IUU còn rất thấp so với tổng số 800 vụ được Hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS) ghi nhận. Nước ta đã có gần 5 năm tuyên truyền pháp luật thủy sản, nay đến lúc phải xử lý nghiêm các vi phạm để phát triển. Nhiều địa phương đang tích cực theo hướng đó.

Tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu nhanh chóng chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đảm bảo hoạt động khai thác được quản lý. Cà Mau có hơn 5.000 tàu, trong đó 1.454 tàu dài từ 15 m trở lên đã được gắn thiết bị giám sát hành trình. Đến tháng 11/2022, đăng ký 3.842 tàu cá, đăng kiểm 1.244 tàu. Trong năm 2022, tại 2 cảng cá chỉ định là Sông Ðốc và Rạch Gốc đã kiểm tra 100% tàu cá cập cảng, rời cảng với 11.560 lượt tàu; lập biên bản nhắc nhở 175 tàu. Tuy nhiên, năm 2022, đến tháng 11 vẫn còn 6 tàu cá vi phạm IUU và Cà Mau quyết xử lý nghiêm. Điển hình là tháng 9/2022, xử phạt chủ tàu cá CM 99772 TS và thuyền trưởng ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời 1,395 tỷ đồng, tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện liên quan. Đây là quyết định xử phạt nặng nhất từ trước đến nay ở địa phương.

Trên cả nước, Hệ thống VMS đã hỗ trợ Cục Kiểm ngư phát hiện dấu hiệu bất thường trong hoạt động khai thác hải sản. Tại cuộc họp giao ban tháng 11/2022, Chi cục Kiểm ngư vùng V cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, trên vùng biển giáp ranh với Campuchia và Malaysia vẫn có tình trạng tàu cá Việt Nam hoạt động chưa đúng quy định. Trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, Chi cục Kiểm ngư vùng I lại cho biết có hiện tượng tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển nước ta. Các Chi cục tích cực truy vết tàu cá vi phạm và báo cáo đầy đủ lên trên để xử lý.

Trong quản lý khai thác, việc duy trì pháp luật ở vùng biển ven bờ cũng được các địa phương quan tâm. Ở tỉnh Hà Tĩnh, các tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ đã bảo vệ nguồn lợi hải sản và góp phần duy trì luật pháp. Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 ở xã Xuân Yên và Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 3 ở xã Xuân Liên thuộc huyện Nghi Xuân, thành lập sớm nhất từ năm 2016. Hai tổ có 418 thành viên, không còn dùng mìn khai thác hải sản và khi phát hiện tàu sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thì kịp thời báo cơ quan chức năng. Tổ số 2 trong năm 2021 và 10 tháng đầu năm 2022 phát hiện 25 tàu cá vi phạm đã báo cho lực lượng chức năng xử phạt hành chính hơn 500 triệu đồng.

Hiện nay, Hà Tĩnh đã có 7 tổ đồng quản lý, phấn đấu thời gian tới tăng lên gấp đôi. Hà Tĩnh cũng cơ bản hoàn thành việc sơn màu cho 2.900/2.950 tàu cá. Theo đó, màu sơn xanh cho tàu dài từ 6 m đến dưới 12 m (hoạt động ven bờ); sơn vàng cho tàu từ 12 m đến dưới 15 m (vùng lộng) và ghi sáng cho tàu dài từ 15 m trở lên (vùng khơi).

Nhà báo Sáu Nghệ

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!